Ông Lê Huy Khoa không đặt nặng vấn đề tiền bạc khi làm công việc phiên dịch cho đội tuyển quốc gia. Trong phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn với VTC News, vị trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo cho rằng việc được tận hưởng giây phút cống hiến, vinh quang, có thêm các trải nghiệm quý và những mối quan hệ mới,... đều là những thứ quý giá mà có tiền bạc cũng chưa chắc mua được.
- Đâu là phẩm chất cần nhất của một trợ lý ngôn ngữ giỏi, ngoài trình độ và đam mê? Có lẽ việc sao chép đầy đủ thần thái của người nói chuyển đến người nghe cũng rất quan trọng, như những câu dịch hùng hồn ông từng gửi đến cầu thủ ở Thường Châu năm 2018?
Ngoài có trình độ ngoai ngữ, và đam mê, quan trọng nhất là phải hiểu môn thể thao này. Khi anh hiểu thì anh mới có thể diễn đạt đúng và đầy đủ.
Bóng đá nhanh, phức tạp, lại nhiều góc độ lắm, và cũng có sức khỏe để chịu đựng, nếu không phải là dân trong ngành thể thao và chỉ là người ngoài tham gia vào thì lại cần phải có thêm vài yếu tố phụ nữa, như công việc phải cho phép, gia đình ủng hộ... và cũng tùy theo HLV, anh phải hợp với HLV đó về tính cách.
Có HLV rất trầm, có người lại nóng nảy. Việc sao chép thần thái cái đó có lẽ được gọi là kỹ năng, mà kỹ năng thì làm nhiều sẽ quen.
HLV Park rất tin tưởng trợ lý ngôn ngữ của mình.
- Ông học hỏi được điều gì từ HLV Park Hang Seo? Đâu là giá trị ông trân quý nhất, tin rằng đó cũng là bài học cho mình sau này?
Tôi là giáo viên, là dịch giả và luôn là người tìm xem văn hóa Hàn Quốc có gì đặc biệt để người Hàn Quốc phát triển nhanh đến thế, Việt Nam mình có thể học được gì. Nhưng đó là một phạm trù mênh mông, rất khó lĩnh hội và tổng kết.
Rất may là khi làm viêc với bóng đá, với HLV Park thì công việc giúp tôi hiểu nhanh hơn, khái quát hơn. Nếu nói 90 phút bóng đá là 90 năm cuộc đời của một con người thì cũng không quá lời.
Nhờ bóng đá mà tôi có thể đúc rút rằng người Hàn Quốc có nhiều cái hay mà mình phải học, sự nhiệt huyết, chú tâm và tập trung vào công việc, quyết đoán, dám làm, chăm chỉ chịu khó mày mò tìm hiểu, chịu trách nhiệm cao nhất.
Tất nhiên từ đó, mình cũng biết được người Việt mình cũng có những điểm hay gì. Với thầy Park thì tôi thấy cái hay nhất của thầy là luôn giữ tư thế của ngày đầu tiên, không vì có thành tích mà kiêu căng, ngạo mạn.
HLV Park cũng là người có cách xử thế công bằng và rât tâm lý, rất được lòng quân, quân dưới trướng của ông không chỉ sẽ, mà luôn phải nỗ lực hết sức.
HLV Park luôn đòi hỏi nỗ lực cao độ.
- Ông quan sát tỉ mỉ, ghi chép và nhớ rất kỹ những câu chuyện xung quanh mình, thậm chí như một người viết sử cần mẫn của các cấp độ đội tuyển. Sự tỉ mỉ, chú trọng chi tiết và cầu tiến ấy là phẩm chất không thể thiếu của một phiên dịch viên?
Trước tiên, tôi khẳng định rằng tôi viết là để làm kỷ niệm cho riêng mình, vì với tôi đó là những kỷ niệm không thể có lần thứ hai, tôi là kẻ ngoại đạo và không thể đồng hành mãi mãi cùng đội tuyển, một ngày ở trong đội tuyển cũng đã là một giây phút hạnh phúc và tự hào với mình.
Biết đâu, với cách viết của mình, đó cũng là những ký ức cho tất cả vì tôi sợ thời gian trôi đi mọi thứ cũng trôi qua mất, cũng có thể là những kinh nghiệm cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Cuối cùng, tôi muốn viết để có thể rút ra những bài học trong cuộc sống, vì bóng đá là cuộc sống thu nhỏ thôi.
- HLV Park Hang Seo rất tin tưởng, hay tâm sự và xem ông như một người bạn tâm giao. Dường như Lê Huy Khoa không chỉ làm tốt công việc phiên dịch, mà còn trở thành người bạn với đối tác của mình, luôn lắng nghe, thấu hiểu và cũng có lập trường vững chắc để bày tỏ quan điểm của mình?
Bây giờ thì HLV Park Hang Seo đã có nhiều mối quan hệ ở Việt Nam. Ông đã hiểu văn hóa Việt, lại có thêm trợ lý tiếng Anh người Hàn nên ông cũng đã tiếp xúc dễ dàng hơn với bên ngoài.
Tôi thì chỉ làm vai trò tham vấn hay hỗ trợ những gì ông hỏi thêm thôi. Quan điểm của tôi dù tham vấn hay hỗ trợ gì thì vẫn các bên phải cùng được việc, phải đều hướng đến mục tiêu chung và cao nhất.
- Tầm ảnh hưởng của ông ở ĐTQG đã được tất cả ghi nhận. Nhưng dường như ở đội tuyển nói chung và Việt Nam nói riêng, phiên dịch thể thao vẫn là công việc kiểu thời vụ, chưa có “danh chính ngôn thuận”. Ở đội tuyển, ông cũng làm theo từng giải, hợp đồng ngắn hạn, chứ không phải dài hạn hay chính thức. Ông có trăn trở với điều đó?
Nếu như ai cũng được thỏa mãn mong muốn thì còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng không chỉ riêng tôi, các trợ lý chuyên môn, bác sĩ,... cũng thế, hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam mình như thế nên cùng chấp nhận chia sẻ. Tiền cũng quan trọng, nhưng cách làm và có nhiều thứ mình lĩnh hội được còn quan trọng hơn.
Chế độ ư? Tôi nghĩ phù hợp là được, cũng như trong bóng đá, không thể chờ đủ 100% phong độ và quân số rồi mới thi đấu, có bao nhiêu thì chơi bấy nhiêu thôi, hết mình và hiệu quả là được.
Tôi quan niệm rằng nếu chỉ để kiếm tiền thì đừng làm phiên dịch bóng đá, nhưng nếu vì đam mê, để tìm kiếm những giây phút sảng khoái, được hòa đồng với mọi người, được giao lưu với những cầu thủ bóng đá nổi tiếng... thì những điều ấy không thể đổi bằng tiền được.
Nếu làm tốt, những người làm bóng đá cũng không thiệt thòi mấy đâu. Bóng đá là môn thể thao vua của vua ở Việt Nam mà.
Ông Lê Huy Khoa là hiệu trưởng trường Hàn ngữ Kanata.
- Nếu nhận được lời đề nghị giới thiệu hoặc hỗ trợ đào tạo những phiên dịch viên thể thao, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang hội nhập và cần những người chuyển ngữ tài năng, ông có đồng ý?
Tôi sẵn sàng, hiệu ứng HLV Park đã giúp cho nhiều cầu thủ và HLV Hàn Quốc sang Việt Nam chơi bóng. Tôi biết đang thiếu rất nhiều trợ lý ngôn ngữ tiếng Hàn. Tôi cũng mong chiều ngược lại, có nhiều người biết tiếng Hàn để hỗ trợ thế nào giúp cầu thủ Việt Nam sang Hàn Quốc chơi bóng.
Bất cứ cầu thủ nào muốn học tiếng Hàn để sang Hàn Quốc, bất cứ ai muốn học để làm trợ lý ngôn ngữ, hãy cứ liên lạc với tôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông cùng gia đình có một năm mới an khang, thịnh vượng!