An Giang có gần 100 km đường biên giới giáp Campuchia với 5 cửa khẩu. Với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở thông qua biên giới nên tình hình buôn lậu tại đây diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.
Đủ chiêu trò đối phó
Theo Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 của của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, năm 2018 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 1.651 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 958.630 gói thuốc lá, 347. 358 kg đường cát nhập lậu.
Tôi và đồng nghiệp tiến thẳng về hướng biên giới Long Bình - Prek Chrey - Sampeou Poun (trên khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang). Vừa rảo một vòng quanh thị trấn, chúng tôi bất ngờ bị một đám "ong ve" (những kẻ chuyên cảnh giới cho đầu nậu-PV) bám đuôi.
Chúng tôi tấp vào một quán nước ven đường thì cùng lúc cũng xuất hiện nhiều vị khách vào uống nước. Họ ngó nghiêng rồi hỏi thăm chúng tôi đủ điều.
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, chúng tôi rời quán và điện thoại cho một lính trinh sát.
Trò chuyện với chúng tôi bên ly cà phê vùng biên, anh cho biết, chỉ cần qua đò thì chúng tôi có thể qua địa phận Campuchia - nơi có những kho hàng hóa lớn của giới buôn lậu. Trong đó, thuốc lá, đường cát được các trùm buôn lậu đánh giá là lợi nhuận cao nhất.
Từ những kho hàng này, dân nài hàng lậu (từ lóng ám chỉ những người vận chuyển hàng lậu thuê-PV) chở hàng nườm nượp trên khắp các ngả đường một cách hung hãn và liều mạng.
Chúng không chỉ dùng xe máy, ô tô mà còn sử dụng xuồng máy tốc độ cao lén lút vận chuyển hàng qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch.
Những kẻ buôn dậu dùng xuồng máy lén lút vận chuyển hàng qua biên giới theo các kênh rạch. (Ảnh: CTV)
Sau khi qua biên giới, hàng lậu sẽ nhanh chóng được cất giấu, tập kết tại các nơi vắng vẻ hoặc nhanh chóng chuyển lên các phương tiện đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Để đối phó với lực lượng chức năng, bọn buôn lậu thường hoạt động 24/24, chúng còn cho người đeo bám, theo dõi lực lượng chức năng, sử dụng điện thoại di động báo tin cho nhau. Vì vậy, nhiều khi lực lượng xuất kích rất dễ bị lộ.
Chúng thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng. Đối với mặt hàng đường cát, chúng thường xoay vòng hóa đơn, sử dụng bộ hồ sơ bán hàng hóa phát mãi hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với dân nài hàng nên không ít trường hợp các tay chuyên chở hàng chống đối khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Bọn buôn lậu hoạt động rầm rập 24/24h. (Ảnh: CTV)
Bên cạnh đó, đường dây buôn lậu được hình thành rất chặt chẽ. Chúng sử dụng người thân tín trong tất cả các khâu. Khi tham gia vận chuyển, chỉ những người thân cận, chủ chốt của đầu nậu mới được mang theo điện thoại.
Khi bị bắt giữ, những người vận chuyển không khai ra chủ mưu mà chỉ nhận trách nhiệm về mình. Tất cả tạo nên sự khó khăn trong công tác xử lý những kẻ cầm đầu.
Siết chặt các cửa ngõ
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia dự báo, dịp tết Kỷ Hợi 2019 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người dân, an ninh an toàn xã hội.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019.
Trong đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành địa phương tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, các đường mòn lối mở khu vực cửa khẩu, khu vực của khẩu, khu vực kinh tế của khẩu… Xây dựng phương án tổ chức phương tiện lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát cả biên giới, của khẩu và nội địa.
Để hạn chế tình trạng buôn lậu, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhằm siết chặt buôn lậu cửa ngõ.
Trong đó có sự phối hợp chặc chẽ giữa các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, thành lập các chốt liên ngành ở các khu vực trọng điểm về buôn lậu.
An Giang đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhằm siết nạn chặt buôn lậu. (Ảnh: NT)
Điển hình, khoảng 13h ngày 25/12, lực lượng chống buôn lậu Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang kết hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 91.
Khi đến khu vực đường Trần Hưng Đạo (thuộc phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, phát hiện ô tô 4 chỗ biển kiểm soát 83A-062.70 có biểu hiện nghi vấn nên đoàn tuần tra ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Lúc này, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang chở 3.000 bao thuốc lá ngoại nhãn hiệu Hero, Scott, Jet nên mời tài xế về trụ sở.
Danh tính tài xế (cũng là chủ xe) được xác định là Nguyễn Ngọc Đức (sinh năm 1965, cư trú phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Đức khai nhận mua số thuốc lá trên từ biên giới Campuchia vận chuyển về TP Sóc Trăng để bán kiếm lời.
Tài xế Đức và xe ô tô chở thuốc lá lậu bị bắt giữ.
Nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chống buôn lậu trên biên giới, Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nghiên cứu cấp trang bị, phương tiện cho các đơn vị cơ sở ở biên giới để đảm bảo trong đấu tranh, phòng chống các loại tôi phạm được hiệu quả.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cũng đề nghị Bộ tài chính và Chính phủ cho phép thí điểm chủ trương khen thưởng cho người dân cung cấp thông tin, thông báo cho cơ quan chống buôn lậu để kiểm tra bắt giữ xử lý hàng lậu, hàng cấm (tỉ lệ thưởng bằng 50% số tiền tịch thu phát mãi).