Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Triệu chứng bí ẩn ở người mắc COVID-19 kéo dài

Cảm giác về các cơn chấn động bên trong cơ thể, cùng chứng run rẩy ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài thu hút chú ý của nhiều bác sĩ và chuyên gia.

Đang say giấc ngủ, Kerri McCrossen Morrison bỗng cảm giác cơ thể mình rung lên giống như có một chiếc bàn chải đánh răng chạy bằng điện trong lồng ngực. Cảm giác đó mãnh liệt đến mức bà bị đánh thức từ giấc ngủ sâu.

“Tôi có cảm giác như ai đó đặt thứ gì đó trên giường của mình và nó đang rung lên”, bà nói. "Dường như bên trong cơ thể của tôi đang tự di chuyển, nó rung lắc vào ban đêm và thực sự tồi tệ".

Những rung động bất thường bên trong cơ thể, cùng cảm giác run rẩy bên ngoài mà bà Morrison mô tả gần đây đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia, những người đang nghiên cứu về hội chứng kéo dài ở người từng mắc COVID-19, theo Wall Street Journal.

Bà Kerri McCrossen Morrison trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. (Ảnh: Wall Street Journal)

Đi tìm nguyên nhân

Bà Morrison (50 tuổi), là điều phối viên cấy ghép tại một bệnh viện ở New Orleans, Mỹ. Bà cho biết đã trải qua triệu chứng này kể từ khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào tháng 3/2020.

Những bệnh nhân gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài, ước tính chiếm từ 10% đến 30% người từng mắc COVID-19, phải trải qua một loạt các triệu chứng, như mệt mỏi, giảm khả năng nhận thức, khó thở và cảm giác tê ngứa râm ran.

Cảm giác chấn động bất thường bên trong cơ thể và chứng run rẩy ít phổ biến hơn, vì thế ít được chú ý hơn.

Tuy nhiên, một báo cáo vào mùa hè này từ nhóm các nhà nghiên cứu về hội chứng COVID-19 kéo dài cho thấy thực tế, khoảng 40% bệnh nhân bị run và 30% cho biết họ cảm thấy những cơn chấn động trong cơ thể.

Một số cơ sở y tế như Bệnh viện Mount Sinai ở New York cho biết họ chưa từng thấy bệnh nhân phàn nàn về những cảm giác như vậy. Nhưng khi thực hiện khảo sát bệnh nhân ở một cơ sở chuyên điều trị hội chứng kéo dài COVID-19 tại Phòng khám Mayo, một tỷ lệ đáng kể đã được ghi nhận.

“Đó thậm chí còn là điều chúng tôi thấy khá thường xuyên", bác sĩ Greg Vanichkachorn, người đã điều trị bệnh nhân trong ba tháng đầu sau khi họ bị mắc COVID-19 nặng, cho biết.

Ông ước tính tại Mayo, khoảng 40% đến 50% bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài trong ba tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh nặng. Ông cho biết đối với một số bệnh nhân, các triệu chứng khiến cơ thể bị suy nhược, trong khi với những người khác, chúng gây nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Các bác sĩ không biết điều gì đang gây ra triệu chứng bí ẩn này. Một số người cho rằng đó có thể là kết quả của rối loạn hệ thần kinh tự chủ. Nó thường gặp ở nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài hoặc xảy ra khi các dây thần kinh kiểm soát chức năng tự chủ của cơ thể bị tổn thương. Một số chuyên gia khác lại cho rằng đây có thể là một vấn đề của quá trình xử lý trong não.

Các bệnh nhân tham gia chương trình phục hồi chức năng sau khi mắc COVID-19 vào tháng 5 tại một bệnh viện ở Ba Lan. (Ảnh: AFP)

Ryan Hurt, người đứng đầu nghiên cứu hậu COVID-19 tại Mayo, cho biết báo cáo mà ông viết về một bệnh nhân gặp phải vô số triệu chứng liên quan đến thần kinh, bao gồm cảm giác chấn động trong cơ thể, đang được xem xét để xuất bản.

Tiến sĩ Hurt cho hay hình ảnh chụp CT não của một số bệnh nhân mắc COVID-19 cho thấy chức năng hoặc hoạt động của não họ bị giảm sút.

Ông cho biết điều này có thể là do chứng viêm mô thần kinh hoặc các vấn đề về tuần hoàn máu. Một yếu tố khác nữa được biết đến là hội chứng nhạy cảm trung ương, xảy ra khi hệ thống thần kinh trung ương não trở nên nhạy cảm hơn, khuếch đại cảm giác trên nhiều hệ thống cơ quan.

“Đau được nhận biết trong não”, tiến sĩ Hurt nói. “Bộ não trở nên thực sự nhạy cảm với các kích thích. Vì vậy, vấn đề có thể không phải là sự chèn ép của các dây thần kinh mà là bộ não, nơi xử lý tất cả thông tin”.

Mối nguy tiềm ẩn

Nick Güthe cho biết vợ ông, Heidi Ferrer, một nhà biên kịch 50 tuổi, đã tự tử vào tháng 5 sau khi vật lộn với hội chứng COVID-19 kéo dài hơn một năm.

Trong tháng cuối cùng, cảm giác trong cơ thể có thứ gì đó rung lắc dữ dội khiến bà ấy không thể chợp mắt vào ban đêm, ông cho biết.

“Khi mới bắt đầu, các cơn chấn động có thể kiểm soát được. Nó đến và đi trong một hoặc hai phút”, ông nói. Thế nhưng, sau đó mọi thứ dần trở nên tồi tệ hơn nhiều.

“Bà ấy nói giống như ai đó nhét điện thoại vào ngực mình và bật chế độ rung ngẫu nhiên vào bất cứ thời điểm nào trong đêm”, ông Güthe cho biết. “Bà ấy không thể ngủ được quá hai giờ ngay cả khi đã sử dụng các loại thuốc ngủ, vì những cơn chấn động bên trong sẽ lại đánh thức và khiến bà ấy mất hàng giờ để lại giấc".

Güthe cho biết ông hy vọng là câu chuyện của vợ mình và nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài là "con chim hoàng yến trong mỏ than cho ngành y học Mỹ". “Chim hoàng yến trong mỏ than” là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới.

“Có rất nhiều người đang phải chịu đựng điều này, và đó là một tình trạng thực sự nguy hiểm, vì nếu bạn không ngủ được thì bạn không thể chữa bệnh", ông nói. "Nếu bạn không thể ngủ, bạn sẽ mất hy vọng".

Ông Güthe đang giúp dẫn đầu một nghiên cứu để xem liệu có nhiều người trải qua cảm giác chấn động bên trong cơ thể và chứng run rẩy hay không. Nghiên cứu đã phân tích hàng trăm câu chuyện của bệnh nhân được thu thập từ mạng xã hội.

Richa Sharma, nhà thần kinh học tại Trường Y Yale, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết nhiều bệnh nhân đã mô tả một loạt triệu chứng, bao gồm run, đau, cảm giác rung lắc hay bị bỏng, xảy ra theo chu kỳ hoặc liên tục, và có thể kéo dài hàng tháng.

Bà Morrison cho biết chứng run bên trong cơ thể bà ngày càng nặng và phải dùng thuốc điều trị động kinh. (Ảnh: Wall Street Journal)

Bà Morrison cho biết chứng run bên trong cơ thể bà ngày càng nặng và giống như động kinh. Các triệu chứng nghiêm trọng đến mức bà đã phải ngừng làm việc vào tháng 5, dùng thuốc điều trị động kinh do bác sĩ kê đơn và đang trong quá trình nộp đơn xin hưởng chế độ tàn tật dài hạn.

Bà ví những cơn chấn động bên trong cơ thể với cảm giác như đang ở trên một chiếc tàu lượn siêu tốc. Cuối cùng, căn bệnh tiến triển và biểu hiện ra bên ngoài, đôi khi khiến chân và tay của tôi bị giật, bà nói.

Bà Morrison cũng gặp phải nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài khác, bao gồm sương mù não, mệt mỏi và đau đầu, nhưng nói rằng cảm giác chấn động bên trong người là đáng sợ nhất.

“Tôi sợ lái xe”, bà nói. "Cơ thể của tôi nhưng tôi không kiểm soát được".

Nguồn:

Tin mới