Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ đã mắc COVID-19 vẫn có thể mắc lại. Trẻ từng nhiễm bệnh thì nguy cơ diễn biến nặng, bị tình trạng hậu COVID và các biến chứng khác là hoàn toàn có thể. Vì vậy khi dịch đang tiếp tục thì vaccine dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc COVID-19 là cần thiết.
Căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm của các quốc gia triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi đã mắc COVID-19 là 3 tháng. Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ từng bị COVID-19 thì gần như hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm.
Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vaccine COVID-19 cho trẻm đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn.
Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Tại buổi tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi do Bộ Y tế tổ chức hồi cuối tháng 3, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, với trẻ từng mắc COVID-19, Bộ Y tế sẽ thống nhất việc thực hiện tiêm vaccine cho trẻ sau 3 tháng.
"Đây là nhóm mắc bệnh nhưng biểu hiện nhẹ, nên miễn dịch tự nhiên chưa đầy đủ. Kể cả người lớn, sau khi mắc COVID-19 miễn dịch tự nhiên cũng không thể chuẩn hóa như miễn dịch của vaccine. Đã có miễn dịch tự nhiên, lại thêm miễn dịch từ vaccine thì an toàn hơn. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng bệnh trên những đối tượng đã mắc là cần thiết, trong đó có trẻ em", GS.TS Phan Trọng Lân nói.