Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, thang điểm môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 1 nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ phía thầy cô, chuyên gia được đặt ra.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội băn khoăn về câu 3 và đáp án phần đọc hiểu đề Ngữ văn. Đề bài là: “Những câu văn sau giúp anh - chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống con người: “Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu còn nhỏ đang chơi bắt bóng”?.
Đây là câu hỏi thông hiểu kết hợp vận dụng, vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh áp dụng những trải nghiệm thực tế và văn chương, thể hiện cách hiểu, cảm xúc riêng. Câu hỏi mang tính mở, đồng nghĩa với việc chấp nhận cách hiểu đa dạng, khác biệt ở mỗi thí sinh. Tuy nhiên, đáp án lại đóng kín chỉ với 3 ý: "Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hoà/ Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả/ Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hoà!"
Dễ dàng nhận thấy nghịch lý giữa câu hỏi và đáp án trên. Câu hỏi đưa ra đoạn văn gợi tả sự thanh bình yên ả của nước và cuộc sống - nhưng trong thực tế, cuộc sống, dòng sông luôn là sự tiếp nối giữa êm đềm và ghềnh thác.
Nếu đáp án có thêm một số gợi ý về điểm giống nhau giữa dòng chảy của nước và cuộc sống, ghi chú cho phép thêm cách hiểu khác của học trò thì sẽ tốt hơn rất nhiều và đảm bảo tính mở.
Với câu nghị luận văn học, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, cả phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới nét “nữ tính” và rất “Xuân Quỳnh”. Đoạn thơ trích mới chỉ đơn thuần nói lên những dự cảm lo âu, bất ổn ẩn sâu bên trong sự đằm thắm, khát khao…
Nhìn chung, với tính cá thể hoá cao độ của môn Văn và tính đa dạng, khác biệt của các thí sinh tiếp nhận, không thể đưa ra đáp án cứng nhắc. Đáp án của Bộ chỉ nên là một hay nhiều phương án gợi ý tham khảo cho học trò và giám khảo trong việc đối chiếu, đánh giá bài làm.
Chung quan điểm, cô Nguyễn Thanh Thư, giáo viên Văn một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đáp án và thang điểm môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ gây khó khăn cho người chấm thi.
Mỗi thí sinh có quan điểm và góc nhìn khác nhau, do đó, cách diễn đạt ý, trình bày bài cũng khác nhau. Câu hỏi là cảm nhận, nêu suy nghĩ, đề cao tính cá nhân hoá cho thí sinh nhưng khi đối sánh với đáp án thì lại là yêu cầu cụ thể, bó hẹp khả năng tư duy.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án không ít học sinh lo lắng vì cách các em nghĩ và viết bài vượt ra ngoài tầm đáp án yêu cầu. Nếu việc chấm đếm ý cho điểm như trong đáp án thì sẽ dễ bỏ sót những bài viết thực sự tốt, thể hiện năng lực của thí sinh.
Điển hình như câu 3 phần đọc hiểu, câu hỏi rộng nhưng đáp án lại sơ sài. Nhiều thí sinh đề cập đến các khía cạnh đa dạng hơn, sâu hơn nhưng có thể lại không có điểm vì các ý đưa ra không có trong đáp án.
Theo cô Thư, với các đề mở, lẽ ra cần chấp nhận cả suy nghĩ trái chiều, phản biện của thí sinh - đó là cách để kiểm tra các năng lực cần thiết để các em bước ra cuộc sống. Nếu giáo viên chấm cứng nhắc theo đáp án thì sẽ có tình trạng, học sinh làm bài sâu sắc, ý kiến đột phá nhưng điểm lại thấp vì không theo đáp án chung. Ngược lại, sẽ có học sinh làm hời hợt, không phản biện, không thể hiện quan điểm lại đạt điểm cao vì đúng theo yêu cầu của đáp án.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Ở góc nhìn khác, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, việc nhận định đề thi Ngữ văn mở, đáp án đóng là chưa đầy đủ. Điển hình như tại câu hỏi thứ 4 của phần Đọc hiểu, thí sinh có thể rút ra bài học về lẽ sống của riêng mình.
Hay phần Nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận vẫn thường được hiểu là là sự cộng hưởng giữa phân tích và phát biểu cảm nghĩ. Việc phân tích vốn đòi hỏi sự khách quan, khoa học, bám sát vào câu chữ trong tác phẩm nhưng phát biểu cảm nghĩ lệ thuộc nhiều vào cảm xúc chủ quan của học sinh. Nhấn và lướt, tô đậm hoặc nói qua nội dung nào hoàn toàn do các em lựa chọn.
Trong đáp án, cụm từ “có thể” được sử dụng nhiều, như: “Có thể nêu bài học theo hướng…”, “Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách…”, “Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp…”, “Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách…”. Những nội dung đáp án gợi ý là rất cơ bản, đa phần là chuẩn kiến thức đối với bài học mà giáo viên cần đảm bảo.
Đặc biệt, đáp án do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được chi tiết hoá thành hướng dẫn chấm thi với sự cân nhắc cao nhất cho quyền lợi của thí sinh. Các hội đồng chấm ở địa phương lại có những bàn bạc, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình làm bài thực tế của học sinh.
Do vậy, thầy Khôi nhấn mạnh, đề thi có tính mở chứ không phải là đề mở, đáp án luôn dành sự tự do nhất định cho học sinh trình bày chứ không hoàn toàn yêu cầu rập khuôn, máy móc. Nhìn chung, đề thi và đáp án thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2021 đáp ứng tốt hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cùng lúc.
Đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Đáp án môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2021