Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trắng đêm xem loài rùa quý hiếm nhất đại dương chui ra khỏi trứng bò xuống biển

Rùa từ Côn Đảo về đến Cù Lao Chàm, trải qua tầm nửa tháng ấp nở - đó là khoảng thời gian nhiều cán bộ luân phiên trắng đêm canh gác.

Kỳ 4 (kỳ cuối): Trắng đêm trông rùa nở

Kỳ 1: Gặp ‘vua rùa’ Côn Đảo trên đất Cù Lao Chàm

Kỳ 2: Tàn sát rùa biển

Kỳ 3: Cuộc chuyển rùa thú vị

“Ngôi nhà” mới của rùa biển Cù Lao Chàm

Những ngày giữa tháng 7, nắng bỏng rát mặt người. Chúng tôi theo chân “vua rùa” Lê Xuân Ái cùng Nguyễn Văn Vũ lên thăm “ngôi nhà” mới của rùa biển Cù Lao Chàm.

Vượt lên con dốc cao dựng đứng, ngoằn ngoèo băng qua cung đường tựa mình vào vách núi, phủ tầm nhìn của chúng tôi giờ đây là dải cát trắng ven bãi biển lao xao sóng vỗ.

 Bãi Bấc - "ngôi nhà" mới của rùa biển trên đảo Cù Lao Chàm.

Bãi Bấc hiện ra trước mắt. Nên thơ và cũng đầy hoang sơ. Theo tính toán của Vũ, hôm nay, nhiều khả năng “mẻ” trứng của đợt thứ 5 (cuối tháng 6/2019) chuyển vị từ Côn Đảo sẽ nở.

Như 4 lần chuyển vị trước, 250 trứng rùa vừa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm cũng được ấp ở Bãi Bấc - bãi cát trắng xóa yên bình nằm cách khu dân cư tầm 4-5 cây số.

Trên mỏm đất nhô cao, căn chòi phủ bạt và được bao bọc bởi hàng rào lưới sắt là nơi ấp trứng rùa. “Lãnh địa” được canh giữ nghiêm ngặt với tấm băng rôn căng ngang, in to dòng chữ: “Khu vực bảo vệ rùa biển, không phận sự cấm vào”.

Trứng rùa được canh giữ nghiêm ngặt. 

Suốt nửa tháng qua, cứ tờ mờ sáng, “cặp bài trùng” Lê Xuân Ái – Nguyễn Văn Vũ lại cuốc bộ lên Bãi Bấc nắm tình hình ấp rùa.

“Trong số 9 bãi cát trên đảo Cù Lao Chàm thì có đến 8 bãi trở thành điểm phát triển du lịch. Riêng Bãi Bấc vẫn còn giữ nét hoang sơ và trở thành nơi ấp trứng rùa lý tưởng 3 năm qua. Bãi này cấm du khách tham quan và được quy hoạch để địa phương phục hồi, bảo tồn rùa biển”, Vũ chia sẻ.

Dứt lời, Vũ và “vua rùa” Lê Xuân Ái nhẹ nhàng mở khóa căn chòi ấp rùa.

Vũ cẩn thận lưu lại thông tin trong suốt quá trình trứng rùa được ấp ở Cù Lao Chàm. 

250 trứng rùa của đợt 5 chuyển vị được úp trong 10 chiếc rổ nhựa và mỗi rổ như vậy là một tổ trứng. Các tổ trứng được đánh số thứ tự trên những cây cọc bằng tre rất rõ ràng.

Giải thích về điều này, “vua rùa” Lê Xuân Ái cho hay: “Đây là cách để chúng tôi có thể theo dõi tỷ lệ trứng rùa nở của mỗi tổ nhằm phục vụ cho đề tài Vũ đang thực hiện.

Theo nguyên tắc, mỗi tổ rùa sẽ có khoảng 10-15 trứng. Trứng rùa được đặt ở độ sâu tầm 20cm. Và bao lứa rùa qua đều được ấp nở ở Bãi Bấc – ngôi nhà mới của rùa biển trên đảo Cù Lao Chàm”.

Những đêm trường thức trắng

Màn đêm dần buông. Bãi Bấc chìm trong tĩnh mịch. Không đèn điện, không sóng điện thoại, không tiếng động cơ của tàu thuyền, “ngôi nhà" mới của rùa biển giờ đây chỉ còn tiếng sóng vỗ cuộn trào trong âm thanh xì xào của gió.

Đêm nay, tới phiên trực của 2 chàng trai trẻ măng đang công tác ở Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Huỳnh Tấn Lực (SN 1996) và Mai Xuân Đức (SN 2000). Cả hai nhận bàn giao ca từ 18h và sẽ trải qua một đêm thức trắng để canh trứng rùa.

Lực và Đức thức trắng đêm để canh trứng rùa. 

Căn chòi lợp tôn, lát sàn gỗ tạm bợ dựng cạnh chòi trứng là chỗ “trực chiến” của Lực, Đức cùng hàng chục nhân viên của Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm vào các đợt canh trứng rùa nở.

Riêng với Lực – Đức, đây là lần đầu tiên họ được trắng đêm trải nghiệm với vai trò bảo vệ trứng rùa. Một cảm giác là lạ trào dâng khiến hai nhân viên vốn dĩ làm công tác tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Cù Lao Chàm không khỏi thổn thức.

“Từ chiều, tụi em mua sẵn thực phẩm và nấu ăn tối ngay tại chốt trực. Trước khi nhận nhiệm vụ, cả hai được các anh chị trong cơ quan truyền đạt không ít kinh nghiệm. Và đêm nay, chắc chắn là khoảng thời gian khó quên với cả hai”, Lực vui vẻ bộc bạch.

22h, mọi thứ dần chìm sâu trong màn đêm đặc quánh. Tiếng sóng bây chừ cũng không còn xô vỗ vồn vập vào bờ. Bất thình lình, từ bụi rậm phía sau chòi canh trứng văng vẳng tiếng sột soạt. Như nhận thấy điều chẳng lành đang diễn ra, Lực và Đức cầm theo cây gậy cùng chiếc đèn pin nhỏ lao thẳng về hướng phát ra âm thanh.

Mươi phút sau, cả hai trở lại chốt bảo vệ và cho biết vừa đẩy đuổi một con kỳ đà to lớn chạy về phía núi.

Theo Đức, kỳ đà là loài thường xuyên lăm le tấn công trứng rùa vào mỗi đợt trứng được đưa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm. 

Theo Đức, kỳ đà là loài thường xuyên lăm le tấn công trứng rùa vào mỗi đợt trứng được đưa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm.

“Nếu mình lơ là canh gác, bọn chúng (kỳ đà) có thể xông vào chòi trứng và phá hoại trứng rùa đang ấp. Ngoài kỳ đà, anh em phụ trách canh trứng rùa cũng đặc biệt chú tâm tới một số loài có thể gây hại cho trứng rùa như khỉ, rắn…”, Đức nói.

Khuya. Tôi cùng hai nhân viên của ca trực bất giác nhận thấy có dấu hiệu là lạ đến từ chính căn chòi ấp trứng. Âm thanh lần này không như tiếng sột soạt của kỳ đà tạo ra trước đó. Rất nhanh chóng, Lực soi chiếc đèn pin với nguồn ánh sáng yếu ớt vào cả thảy 10 tổ trứng. Khi Lực soi đến tổ cuối cùng, tôi bắt gặp nụ cười rạng ngời giữa đêm tối hé mở trên môi của hai chàng trai.

“4 chú rùa nở, mừng quá anh ơi. Rùa đang ngoi lên khỏi mặt đất và sẵn sàng cho ngày mai bò ra đại dương”, Lực reo vui.

Đêm dằng dặc cũng trôi qua. Bình minh trên đảo bắt đầu ló dạng. Và đúng thời gian biểu, 5h, “vua rùa” Lê Xuân Ái và người bạn đồng hành của mình bao năm qua – Nguyễn Văn Vũ lại có mặt tại Bãi Bấc.

5h, Vũ có mặt ở Bãi Bấc để tách số rùa nở. 

Sau một hồi cân đo đong đếm, Vũ và các cộng sự tách gần 80 chú rùa đang lúc nhúc giữa vạt cát trắng xóa cho vào chiếc rổ riêng.

“Từ đêm qua tới sáng nay, hàng chục trứng rùa cuối cùng của đợt chuyển vị thứ 5 đã nở hết, đạt tỷ lệ 95%. Một tín hiệu hết sức đáng mừng vì so với 4 đợt chuyển vị trước (đạt xấp xỉ 90%), lần này tỷ lệ trứng rùa nở cao hơn hẳn”, anh Vũ cho hay.

Và chỉ chờ có thế, cả trăm người dân trên đảo ùn ùn kéo ra Bãi Bấc.

 Khoảnh khắc thả rùa biển ở Cù Lao Chàm.

Như một thói quen, cứ hễ nghe rùa nở, bà con lại í ới nhau ra chứng kiến khoảnh khắc những chú rùa con trên đảo Cù Lao Chàm bò ra đại dương bao la.

Dọc dài dải cát trắng phau, hàng chục chú rùa con được thả đồng loạt ra biển. Hàng trăm ánh mắt đổ dồn theo từng bước di chuyển chậm chạp của rùa.

Những chú rùa con được ấp nở ở đảo Cù Lao Chàm bò ra đại dương. 

Lúc này, có lẽ Vũ, “vua rùa” Lê Xuân Ái hay các cư dân ngụ cư tự bao đời ở hòn đảo nhỏ bé đang gửi gắm ước vọng vào tương lai. Rằng một ngày của 2-3 mươi năm nữa, thế hệ rùa hôm nay sẽ quay trở về nơi chúng chào đời. Chúng sẽ sản sinh ra đàn đàn, lớp lớp rùa mới.

Ai nấy vững một niềm tin, Cù Lao Chàm rồi sẽ lại là “thiên đường” của rùa biển.

THANH BA

Tin mới