Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến giáo viên, người lao động (nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập) bị mất việc lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
"Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng rao mua sổ BHXH của người lao động trên các mạng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi lâu dài của người lao động, tạo hệ quả xấu cho xã hội", Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM nhấn mạnh.
Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, người lao động về tác động và hệ quả xấu của việc cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH trong đội ngũ sư phạm.
Vận động đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động nắm rõ thông tin nhằm tuyên truyền trong đội ngũ sư phạm, người thân và gia đình không nên lãnh BHXH 1 lần, tham gia đóng BHXH tự nguyện để có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động.
Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM yêu cầu không được để xảy ra tình trạng mua bán sổ BHXH.
Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM cũng đề nghị các trường cũng tập trung công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, cán bộ, giáo viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động ở các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 tổ chức chăm lo tại chỗ cho giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không để trường hợp người lao động cầm cố, thế chấp và mua bán sổ BHXH", Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM nhấn mạnh.
Video: Gần 40.000 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội bị mất thu nhập vì COVID-19