Chia sẻ về công tác phòng chống dịch của lực lượng lái xe cứu thương tại buổi tri ân, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, trong cuộc chiến sinh tử với làn sóng COVID-19 lần thứ 4, trung bình Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận 4.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, gấp hơn 30 lần so với ngày thường.
Trung tâm có hai bộ phận chuyên môn chính là Tổng đài điều phối 115 và ê-kip cấp cứu ngoài bệnh viện gồm nhân viên y tế và các anh em tài xế, nhanh chóng tiếp nhận thông tin, tiếp cận người bệnh và thực hiện chăm sóc cấp cứu, chuyển người bệnh đến bệnh viện điều trị phù hợp.
“Trong tâm trạng hoang mang, hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng của người dân, đôi khi anh em cũng muốn gục ngã. Thời điểm đó, người dân gọi điện tới năn nỉ, có khi trách mắng, thậm chí có cuộc gọi chỉ có tiếng khóc. Anh em nghe điện thoại cấp cứu cũng rất áp lực”, BS Long nhớ lại.
Tài xế kể lại những câu chuyện khi tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19. (Ảnh: TTBC TP.HCM)
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết thêm, anh em cấp cứu trên những xe cứu thương hầu như không ngủ nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Trước tình hình đó, ngày 23/6/2021, Trung tâm cấp cứu 115 đăng tin về việc cần tình nguyện viên cho hoạt động cấp cứu ngoại viện.
“Đây cũng là lúc chúng tôi thấy được sức mạnh của dân tộc, thấy được niềm hy vọng tưởng như đang dần tắt”, BS Long chia sẻ.
Đáp lại sự kêu gọi, rất nhiều tình nguyện viên không chỉ tại TP.HCM mà trên khắp cả nước đã đăng ký tình nguyện vào nơi tuyến đầu. Trong đó, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đã hoán cải 260 xe khách thành 260 xe cứu thương cơ bản cùng lực lượng tài xế tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh F0; biệt đội taxi cấp cứu Mai Linh ra đời với hơn 100 xe được hoán cải cùng hơn 100 tài xế và 212 tình nguyện viên...
Chia sẻ về những tháng ngày tham gia phòng chống dịch, tài xế Phạm Phương Bá, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, thời điểm dịch căng thẳng, anh xác định khó khăn thì công việc nào cũng có khó khăn nhưng đã chọn nghề lái xe cứu thương thì phải chấp nhận và cố gắng, lo lắng nhưng không sợ dù trong lúc đại dịch.
“Lo lắng thì có, nhưng sợ thì không. Bệnh viện đã tập huấn kiến thức và kỹ năng cho các lái xe chở người bệnh. Tôi cũng giải thích với gia đình, bà xã và các con tôi đều ủng hộ, động viên”, anh Bá chia sẻ.
Tài xế Đặng Xuân Tùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh nhớ lại, suốt 3 - 4 tháng, anh chưa có một giấc ngủ yên lành, có khi 3 - 4h sáng có cuộc gọi cấp cứu là anh lại lên đường, nhiều ngày đi từ sáng tới đêm. Có những khi gặp bệnh nhân nặng 100kg, ở trên lầu 3 nhưng mệt mỏi không cử động được, anh Tùng đã không nề hà mà cùng nhóm khiêng bệnh nhân từ trên lầu xuống, đưa đi cấp cứu.
Anh Tùng kể, khi chở bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến trong đợt cao điểm phòng chống dịch, người nhà bệnh nhân thấy anh mặc đồ bảo hộ đã tưởng là bác sĩ và cúi đầu cảm ơn. Họ cảm ơn nhầm nhưng lòng anh Tùng vẫn rưng rưng xúc động”,
“Có những lúc chùng xuống muốn nghỉ công việc này, nhưng chỉ là thời gian 1-2 ca đầu. Ngay sau đó, hình ảnh 2 đứa con hiện lên với ánh mắt long lanh đầy tự hào về bố, đã thôi thúc tôi gượng dậy, thêm động lực cho tôi cất bước. Tôi có cơ hội giúp người dân được tiếp tục sống, thế là tôi cứ làm, không còn khó khăn nào ngăn trở nữa”, anh Tùng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà cho các lái xe. (Ảnh: TTBC TP.HCM)
Chia sẻ tại buổi tri ân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ trân trọng đối với các chiến sĩ tình nguyện lái xe chở người mắc COVID-19, cấp cứu người chuyển nặng, vận chuyển lực lượng, vận chuyển oxy, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch những ngày vừa qua.
“Họ đã thức trắng thâu đêm. Họ đã ghì chặt vô lăng, đã có giọt nước mắt xen lẫn mồ hôi, ướt đẫm bộ đồ bảo hộ. Họ đã sống vì người khác! Họ là những người bình thường nhưng đã có suy nghĩ và hành động rất phi thường”, ông Nên nói.
Tại buổi tri ân, tất cả các đại biểu cũng dành những giây phút lắng đọng nhất để tưởng nhớ những người đã mất, những người đã hy sinh cho cuộc chiến chống dịch của thành phố vừa qua, trong đó có lái xe Phan Thành Minh Nhựt của Bệnh viện Nhi đồng 1.