Ngày 15/4, Sở Y tế TP.HCM công bố kế hoạch triển khai tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.
Kế hoạch đặt yêu cầu, tổ chức tiêm chủng an toàn, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 900.000 trẻ trong vòng 14 ngày.
Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn TP (khoảng 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội).
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 90 ngày kể từ ngày mắc bệnh. Công tác tiêm được tổ chức tại trường học, cộng đồng, các cơ sở tiêm chủng và bệnh viện (đối với trẻ đang điều trị nội trú hoặc có chỉ định tiêm tại bệnh viện).
Việc tổ chức tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần theo độ tuổi, tùy theo tiến độ cung ứng vaccine. Đối với mũi 1, bắt đầu từ ngày 16/4 đến ngày 30/4.
Ngày 16/4 sẽ triển khai tổ chức tiêm cho trẻ đang học lớp 6 tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Riêng đối với trẻ đang học lớp 5, Sở Y tế và Sở GD&ĐT thống nhất chọn 5 trường tiểu học, gồm: Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); Tiểu học Bàu Sen (quận 5); Tiểu học Dương Minh Châu (quận 10); Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) và Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) để khởi động kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em tại các trường tiểu học, sau đó sơ kết và triển khai đồng loạt cho 22 quận, huyện vào ngày 18/4.
Cụ thể, từ ngày 18/4 - 28/4, tổ chức tiêm đồng loạt tại 22 quận, huyện, trong đó ưu tiên tổ chức tiêm cho trẻ từ 10 -11 tuổi (lớp 4, lớp 5) đang sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố. Đối với các trẻ từ 5 đến dưới 10 tuổi sẽ được tiêm sau khi thành phố được cung ứng đủ vaccine. Ngày 29 và 30/4 sẽ tổ chức tiêm vét tại các điểm tiêm cộng đồng do quận, huyện bố trí.
Đối với mũi 2, dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (Pfizer và Moderna), tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine.
Hiện nay, các quận, huyện đều có lực lượng nhân sự tại chỗ từ Trung tâm y tế, trạm y tế và bệnh viện quận, huyện, ước tính có 444 đội tiêm, Sở Y tế sẽ điều phối nhân sự của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám đa khoa có chuyên khoa nhi để tham gia hỗ trợ cho các quận, huyện,
Tùy thuộc số lượng vaccine được cung ứng, để tránh lãng phí nguồn lực khi không cần thiết, các quận, huyện ưu tiên huy động nguồn lực tại chỗ để chủ động tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine quận, huyện sẽ huy động thêm nhân sự do Sở Y tế phân công. Tùy vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương, Sở Y tế sẽ điều chỉnh nhân sự tham gia của các đơn vị.
Sở Y tế yêu cầu tất cả các điểm tiêm phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trong trường hợp điểm tiêm có nhiều trẻ tiêm, địa phương có thể bố trí nhân sự chuyên trách theo dõi sau tiêm để hỗ trợ cho các đội tiêm.
Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm phân công mạng lưới cấp cứu ngoại viện và xe cấp cứu của các bệnh viện trực tại vị trí được phân công; giám sát và điều phối để hỗ trợ kịp thời cho các điểm tiêm khi có tình huống phát sinh.
Thành lập tổ chuyên gia hồi sức cấp cứu nhi thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác cấp cứu, xử trí tai biến sau tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp tai biến sau tiêm vaccine phòng COVID-19 do mạng lưới cấp cứu 115 chuyển đến hoặc người dân tự đưa đến. Các bệnh viện phải tiếp nhận, xử trí ban đầu trước khi chuyển viện, tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận cấp cứu người bệnh.