Phụ huynh “vật lộn” với chương trình mới
Hơn hai tuần nay, chị Lê Phương Chi có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Bình Lợi Trung (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải “vật lộn” với những nội dung ôn tập mà cô giáo giao về nhà ôn luyện cho con chuẩn bị thi học kỳ.
Nhìn sấp bài tập dày, chị hoảng hồn không nghĩ con mình lớp 1 lại học nhiều đến thế. Chị cho biết, tối nào cũng thức học bài cùng con đến khuya. Chương trình mới có những bài toán chị không biết, phải tra mạng, hỏi người quen để dạy cho con nên mất nhiều thời gian.
Với tiếng Việt, học sinh phải đọc vần, từ và câu. Trong đó yêu cầu các em đọc một đoạn văn khoảng 50 tiếng và trả lời câu hỏi. Với Toán, các em phải biết cộng trong phạm vi 10, học hình khối, đếm hình.
Bài tập đếm hình lớp 1.
Theo chị Chi, trên thực tế dạy học cho con chị thấy môn Toán có nhiều bài khó, ngay cả người lớn nhiều khi còn làm không được huống hồ trẻ lớp 1. Chương trình Tiếng Việt 1 hiện nay quá nặng, lượng chữ học thuộc mỗi ngày quá nhiều, nội dung không sát với thực tế.
“Mấy bé còn quá nhỏ mà lượng chữ học thuộc mỗi ngày quá là nhiều, trong khi cải cách để giảm tải mà đây không giảm còn tăng. Ngày xưa trong học kỳ 1 học 24 chữ cái, còn giờ mới vào đã học thuộc hết chữ cái, rồi ráp vần, rồi đọc chính tả cho con viết. Tối nào hai mẹ con cũng thức khuya học”, chị Chi nói.
Cũng có con học lớp 1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Quận 7, TP.HCM), chị Phương Anh cho biết, từ khi con bắt đầu đi học, chị rất vất vả trong dạy học cho con, 10 ngày nay, sắp thi học kỳ lại càng vất vả, chị như "chạy đua" cùng con.
Chị cho biết, chương trình học lớp 1 nặng nề, nhất là môn Tiếng Việt có nhiều từ khó hiểu, từ vùng miền con không hiểu, chị phải tìm kiếm tài liệu, tra trên mạng để giảng lại cho con.
“Thức khuya, thức hôm học cùng con là chuyện thường, mới lớp 1 mà bé học nhiều, mẹ cũng như học theo, vì có từ miền Bắc, bé không hiểu, tôi cũng không hiểu, phải tìm kiếm nghĩa trên mạng rồi chỉ cho bé hiểu thành ra tôi cũng học thêm những từ đó. Rồi có những bài toán quá khó, không giải được tôi cũng phải đi hỏi lại bạn bè, người quen để mà chỉ cho con, có bữa tôi gọi 7-8 cuộc điện thoại mới có người giải được”, chị Anh nói.
Giảm tải hay tăng áp lực?
Cùng chung “hội phụ huynh có con học lớp 1”, anh Đỗ Xuân Hợp (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng rất áp lực và lo lắng khi ôn bài cho con thi học kỳ.
Anh cho biết, mỗi ngày con đi học phải mang sách vở rất nhiều, đến kỳ kiểm tra, bài tập về nhà của con khiến anh cũng “cân não” theo.
“Về tiếng Việt, con có thể đọc rõ các âm, các vần như ua, ia, ươi, các từ đơn hoặc các câu ngắn chừng 5-7 từ. Nhưng bé lại yếu trong nghe viết, con rất khó phân biệt x hay s, i hay y,… Môn Toán, con làm được các phép tính cộng, đếm số lượng hình nhưng lại yếu với các bài nhận diện hình rồi đếm. Tôi thấy yêu cầu học kỳ 1 như vậy là quá sức. Các bé lớp 1 chỉ cần đọc, thuộc mặt chữ đơn giản, biết làm các phép tính cộng và đếm là được, vợ chồng tôi rất vất vả dạy, “cân não” học cùng con”, anh Hợp nói.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nhiều bài tập trong chương trình lớp 1 hiện nay không cần thiết, quá tải với trẻ lớp 1. Nhà văn dẫn ví dụ, một số bài tập Tiếng Việt điền âm hoặc điền từ còn thiếu, chẳng hạn các bài điền "l" hay "n", vần "oang" hay "oăng"… học sinh lớp 2-3 có khi phải mất thời gian suy nghĩ mới làm được. Rồi bài tập nối từ với các câu thành ngữ, tục ngữ nhiều từ Hán Việt trẻ chưa đủ trình độ để hiểu.
Bài tập điền từ lớp 1.
“Có những đoạn văn đọc lên nó vô cảm, không có cảm xúc, không thành câu. Hơn nữa giảm tải để giảm áp lực cho cả thầy và trò nhưng đây không những không giảm mà trẻ phải học nhiều hơn, phụ huynh cũng vất vả hơn. Trẻ lớp 1 có cần thiết phải “nhồi nhét” nhiều như vậy không?”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Cũng theo nhà văn, Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng nhìn vào tình hình thực tế, nhiều giáo viên vẫn phải giao bài tập cho các em, phụ huynh vẫn phải “vật lộn” với bài tập cùng con, tìm mọi cách giúp con học để theo kịp chương trình.