Giờ học môn Toán tại lớp 1A6 trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đứng trên bục giảng cô học trò nhỏ tên Tâm An vui vẻ hướng mắt xuống phía dưới mời các bạn nhận xét phần đáp án của mình trong trò chơi tìm hình vuông, tròn, chữ nhật, tam giác. Học trò dưới lớp hào hứng giơ tay phát biểu ý kiến.
Sau nhiều trả lời “Tớ thấy bạn tìm đúng rồi”, An vẫn tiếp tục hỏi “Còn bạn nào có ý kiến khác không”, để sau đó khẳng định chắc chắn rằng, đáp án em đưa ra trong trò chơi là hoàn toàn chính xác.
Một nhiệm vụ khác được cô giáo nêu ra, các học sinh lại hào hứng giơ tay xin tham gia và lên bảng làm “giáo viên nhí” điều khiển tiếp tiết học. Bài học “Làm quen với một số hình phẳng” của học sinh lớp 1A6 cứ thế trôi qua với phần lớn là hoạt động trao đổi, tương tác của học trò. Cô giáo Lê Thị Thảo đứng phía bên nhẹ nhàng ra nhiệm vụ và hướng dẫn các em tham gia vào hoạt động học tập.
Trong sách giáo khoa, bài mà cô Thảo hướng dẫn học trò chơi trò chơi chỉ yêu cầu các em quan sát hình trong sách và tìm xem có bao nhiêu hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác, hình vuông.
"Thay vì bắt các học sinh ngồi một chỗ làm bài tập, tôi đã tổ chức trò chơi, để các con vừa thực hiện bài tập vừa được rèn các kỹ năng chia sẻ và trình bày kết quả làm bài trước lớp. Điều này tạo sự thích thú, tò mò, kích thích khả năng sáng tạo, giúp trẻ tự tin, tự chủ trong các hoạt động học tập. Đặc biệt, qua đó các con thể hiện được năng lực, cá tính và năng động hơn từng ngày", giáo viên Lê Thị Thảo chia sẻ.
Không cần dạy học đúng y chang yêu cầu trong sách giáo khoa, được chủ động, tự do sáng tạo cho tiết dạy của mình để phù hợp nhất với học sinh, chính là điểm tích cực cô Thảo tâm đắc nhất ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Trải qua 2 tháng dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, cô Thảo rất vui khi thấy học trò của mình hào hứng, tự tin, say sưa tham gia các hoạt động học tập.
Học sinh lớp 1A6 trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Tại ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) - nơi 100% học sinh là người dân tộc Dao, các tiết học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng diễn ra trong không khí vui vẻ. Một số học sinh lớp 1 đến nay vẫn khó khăn trong việc đánh vần, đọc những bài đầu tiên trong sách giáo khoa.
Tuy nhiên, cô Bàn Thị Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cho biết, khó khăn này không phải đến từ chương trình mới mà ở chương trình hiện hành cũng thường xuyên gặp phải. Lý do là tiếng Việt không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh dân tộc Dao. Thời gian học mầm non năm vừa qua do dịch COVID-19 nên việc được làm quen với chữ cái của các em lại bị gián đoạn. Phụ huynh người dân tộc ít quan tâm, kèm cặp con tại nhà.
Với lý do khách quan như thế, thời gian đầu, cô trò lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 khá vất vả để học ghép vần, tập đọc. Tuy nhiên, sau 2 tháng, với việc chủ động, linh hoạt áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực, phân loại học sinh để kèm cặp, học sinh lớp cô Hương đã giảm tình trạng "học trước quên sau”, 50% học sinh có thể đọc trơn tru.
“Tôi thích nhất ở chương trình, sách giáo khoa mới là trao quyền cho giáo viên được chủ động, linh hoạt, sử dụng các phương pháp để dạy học hiệu quả hơn, phù hợp với đối tượng học sinh. Chương trình giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập. Học chương trình mới này, học sinh của tôi nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn. Đó là điểm rất tích cực mà chương trình bước đầu đã mang lại cho học sinh người dân tộc thiểu số”, cô Bàn Thị Hường nói.
“Tự tin, vui vẻ, có ý thức hơn trong việc học”- đó cũng là chia sẻ của cô giáo Đinh Duyên Thịnh (giáo viên lớp 1 trường Tiểu học và THCS Victoria Thăng Long, Hà Nội) về những gì học sinh của cô bước đầu thụ hưởng được từ chương trình giáo dục phổ thông mới.