Chiều 6/10, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương, lý giải việc TP kiến nghị Bộ Tài chính nhiều vấn đề liên quan kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trong đó, có kiến nghị điều hành giá theo hướng linh hoạt, đúng chu kỳ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và đề xuất cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh khi có biến động vượt ngưỡng.
Theo bà Ngọc, với những khó khăn trong tình hình hiện nay, khi bối cảnh nhu cầu về nhiên liệu ngày càng tăng, an ninh năng lượng còn nhiều thách thức, nhất là khi nguồn cung xăng, dầu trong nước còn phụ thuộc thị trường thế giới; tình hình giá xăng dầu thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với biến động tăng, giảm đan xen trong biên độ lớn và chịu sự chi phối bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu…
"Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong hoạt động kinh doanh còn gặp khó khăn liên quan nguồn cung xăng dầu, mức chiết khấu", bà Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân).
Bà Ngọc thông tin thêm, vừa qua, UBND TP.HCM, Sở Công Thương tổ chức các buổi làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn về tình hình hoạt động kinh doanh, hệ thống phân phối xăng dầu, tình hình cung ứng xăng dầu và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp.
Quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu hiện hành sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt, tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.
Ngoài ra, mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ hiện khó để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp.
Theo thông tin phản ánh của các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn do giá cả thường xuyên biến động. Tại một số thời điểm, doanh nghiệp hiện phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ chiết khấu giảm (có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng, hoặc âm), trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên…
"Điều này sẽ gây áp lực đối với quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, khi có tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng các thương nhân phân phối xăng, dầu và hệ thống đại lý bán lẻ", bà Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, đối với các thương nhân phân phối xăng dầu do ảnh hưởng của biến động từ giá xăng dầu, các thương nhân đầu mối cũng hạn chế cung cấp, bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối.
Đồng thời, do giảm chiết khấu nên các thương nhân phân phối gặp khó khăn trong việc tìm nguồn hàng, khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Có tình trạng các thương nhân phân phối cũng không chủ động nhập hàng để kinh doanh dẫn đến có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối.
"Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có xu hướng thu hẹp về sản lượng cung ứng, quy mô kinh doanh và chưa có được các giải pháp tối ưu cho hoạt động kinh doanh dẫn đến tình trạng ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố", bà Ngọc nói.