Chiều 29/12, Cục Thống kê TP.HCM họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2021.
Ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thống kê TP.HCM cho biết, năm 2021 tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tính giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
Cục Thống kê TP.HCM đưa ra dự báo năm 2022, kinh tế thành phố sẽ phục hồi theo chữ V. Kinh tế thế giới vẫn phải đối phó với biến chủng mới của COVID-19 và những bất ổn tiềm tàng về địa chính trị.Cơ sở dự báo TP.HCM tăng trưởng theo hình chữ V năm 2022
Ảnh minh họa.
Trả lời câu hỏi của Zing về cơ sở để đưa ra dự báo này, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp (Cục Thống kê TP.HCM), cho biết từ khi mở cửa trở lại, kinh tế thành phố có cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sau khi chạm đáy vào quý III (chỉ bằng 75,03% so với cùng kỳ) đã tăng trở lại vào quý IV (bằng 88,36% so với cùng kỳ).
Cơ sở thứ 3 là thời gian tới, lực lượng lao động sẽ quay trở lại thành phố giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất, thực hiện đơn hàng.
Cùng với đó, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tại TP.HCM tuy giảm về số lượng dự án (giảm 33,4%) nhưng tăng 7,7% về quy mô vốn. Số lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư giảm về số lượt (giảm 28,8%) nhưng vốn điều chỉnh tăng gấp đôi.
Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố là 3,74 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư thì số vốn năm 2021 đạt 1,81 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, 633 dự án được cấp mới với vốn đăng ký đạt 686,6 triệu USD, giảm 33,4% về số giấy phép và tăng 7,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một dự án đạt 1,08 triệu USD (năm 2020 là 0,67 triệu USD).
Điều chỉnh vốn đầu tư có 178 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 1,125 tỷ USD, giảm 28,8% về số giấy phép, nhưng vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
"Như vậy vẫn có cơ sở tin rằng, với chính sách hiện nay nhà đầu tư vẫn đủ sức thích ứng linh hoạt và tin tưởng vào thành phố", ông Hùng nhận định.
Dù ngân sách giảm sâu nhất lịch sử, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2021 ước đạt 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán và tăng 3% so với năm 2020.
Lý giải nghịch lý này, ông Hùng cho biết tổng thu ngân sách gồm rất nhiều dòng thu như thu trực tiếp, gián tiếp, từ hoạt động sản xuất, thu thuế (nhà đất, chứng khoán, thu nhập cá nhân)... Trong phần thu ngân sách này, chỉ một phần được tính vào GRDP như thuế sản xuất, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT...
Một khoản thu khác cũng tăng so với năm 2020 là thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, nổi bật có các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực như livestream trên Facebook, Youtube; người viết phần mềm... đã tự động khai và nộp thuế sau khi có chính sách mới.
Về xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch năm 2021 đạt 9.368,2 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 23,2% tỷ trọng xuất khẩu.
Nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị xuất khẩu đạt 16.960,4 triệu USD, giảm 5,2%. Đây cũng là mặt hàng có trị giá nhập khẩu cao nhất thành phố, đạt 19.499,2 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 37% tỷ trọng nhập khẩu.