Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM cho hàng ăn bán đem về: Chủ quán lo nhiều hơn mừng

(VTC News) -

Dù TP.HCM đã cho hàng ăn mở bán đem về, song nhiều chủ quán lo hơn mừng vì còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h - 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về, nhiều chủ quán cảm thấy phấn khởi vì thành phố đã bắt đầu cho mở cửa nhưng vẫn còn không ít lo ngại.

Tô phở giá gần 120.000 đồng chưa tính phí ship

Gần 3 tháng mong mỏi được mở cửa trở lại, song, sau khi thành phố cho một số cửa hàng ăn uống được phép mở bán mang về, anh Vũ Như Phong - chủ quán phở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn chưa thể bán hàng lại ngay được.

“Bây giờ chúng tôi đang kẹt giấy đi đường, cấp giấy phép hoạt động rồi lấy mẫu xét nghiệm 2 ngày/lần, nguyên vật liệu, nhân viên… bây giờ tất cả rối hết lên", anh Phong nói.

Anh Vũ Như Phong - chủ quán phở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

 Anh Phong cho rằng, mở bán từ 6h - 18h là quá ngắn vì không đủ thời gian để bán hết trong ngày hôm đó, buổi tối chưa đến giờ ăn đã phải nghỉ. Bên cạnh đó, Thành phố yêu cầu xét nghiệm 2 lần/ngày thì gặp khó khăn trong kinh phí xét nghiệm. Như quán của anh Phong có 4 nhân viên, 2 ngày sẽ mất thêm 600.000 đồng tiền xét nghiệm nên gia đình không đáp ứng nổi.

"Nói chung những yêu cầu này rất tốt cho an toàn phòng dịch, thấy được mở lại tôi cũng phấn khởi nhưng chi phí thì thực sự chúng tôi không đáp ứng nổi nên đành chờ thêm một thời gian nữa”, anh Phong nói.

Theo anh Phong, nguồn nguyên liệu bây giờ mua rất khó. Trong khi đó, với quy định shipper chỉ được giao hàng trong nội quận như hiện nay, nếu anh đặt mua online thì giá cao và phải tốn tiền ship.

Nguyên liệu như thịt bò, gân bò... thường lấy mối ở chợ quận khác, trong khi chưa được cấp giấy đi đường nên rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu. Hơn nữa giá các loại gia vị, rau củ quả tăng nhiều so với ngày thường và rất khó mua.

"Hành lá hiện nay bán 80.000 - 100.000 đồng/kg, tăng hơn 3 - 4 lần. Nếu trước đây 1 tô phở giá từ 35.000 - 60.000 đồng, nay 1 tô phải từ 70.000 - 120.000 đồng, chưa bao gồm phí ship, thì ai dám mua", anh Phong cho biết.

'Mở ra sẽ lỗ nặng'

Ghi nhận của PV VTC News sáng 9/9, nhiều cửa hàng bán đồ ăn tại quận 1, 3, 7, 10, Bình Thạnh… vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Nhiều cửa hàng vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Anh Trần Tú Anh, chủ cửa hàng kinh doanh cà phê tại quận 7, TP.HCM cho biết, cửa hàng anh vẫn tiếp tục dừng hoạt động, mặc dù thấy phấn khởi hơn khi việc kinh doanh đã bước đầu mở cửa trở lại.

Anh Tú cho rằng chi phí mặt bằng và chi phí cho nhân viên lúc này là điều phải cân nhắc đầu tiên khi mở bán lại. "Việc mở cửa bán mang đi có thu được tiền để bù đắp các chi phí khi mở cửa lại hay không? Không tính nhân lực bây giờ tứ tán hết cả, không phải gọi là người ta đi làm được. Tôi tính mở ra sẽ lỗ nặng", anh Tú nói.

Khó khăn nữa là việc phải đăng ký với quận, huyện để được cấp giấy đi đường từ Phòng CSGT Công an TP.HCM để di chuyển đến nơi thực hiện “3 tại chỗ” theo quy trình và thời gian tiến hành cũng chưa thấy được hướng dẫn.

"Tôi chỉ kinh doanh cà phê thôi, việc lo cho nhân sự thực hiện “3 tại chỗ” cũng sẽ không đáp ứng được như làm công ty hay văn phòng", anh Tú Anh nói.

Trước thông báo của UBND TP.HCM cho phép mở dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi khiến nhiều người dân vui mừng, song vẫn có nhiều băn khoăn khi lực lượng shipper vẫn còn chưa được hoạt động nhiều như trước nên tiền ship sẽ tăng cao.

Anh Doãn Minh Thiện, ngụ quận 7, TP.HCM cho biết, tuần trước anh đã gọi shipper để mua thực phẩm về nấu nhưng thực tế phải bấm đơn nhiều lần mới có shipper nhận, trước việc hàng quán mở lại bản thân rất mừng nhưng có lẽ cũng hạn chế đặt hay gọi đồ vì tiền ship có khi còn cao hơn đồ ăn.

Giả sử mua một tô bún có giá 35.000 đồng, cộng cả tiền ship nữa thì khả năng sẽ tăng gấp đôi. Lâu nay ở nhà không có thu nhập rồi nên tôi phải cân nhắc chi tiêu tiết kiệm, nên nếu có gọi đồ ăn ngoài cũng thỉnh thoảng thôi”, anh Thiện nói.

Theo quy định của UBND TP.HCM, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Trong đó, điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hoàng Thọ

Tin mới