Đây là cuộc điện đàm thứ 5 giữa lãnh đạo Mỹ-Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức. Các quan chức Mỹ cho biết một tuyên bố sẽ được đưa ra sau cuộc điện đàm.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về cuộc điện đàm khi được hỏi trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 28/7.
“Các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Mỹ duy trì liên lạc bằng nhiều kênh khác nhau. Trung Quốc sẽ công bố thông tin về việc này một cách kịp thời", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm hồi tháng 11/2021. (Ảnh: Reuters)
Các quan chức Nhà Trắng cho biết cuộc điện đàm được lên kế hoạch từ trước, có chương trình nghị sự rộng, bao gồm các thảo luận về xung đột Nga-Ukraine.
Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang tiếp tục căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ kinh tế, thương mại cho tới chính trị.
Thông tin về cuộc điện đàm được công bố không lâu sau khi Mỹ xác nhận điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông.
Hạm đội 7 không tiết lộ chính xác về điểm dừng chân cuối cùng của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan. Tuy nhiên, lộ trình của nhóm tàu USS Ronald Reagan dự kiến sẽ đi qua eo biển Đài Loan.
Đây được cho là động thái răn đe quân sự của Mỹ trước các tuyên bố “đáp trả mạnh mẽ” từ phía Trung Quốc về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan dự kiến diễn ra trong tháng 8.
Trước đó, một số thông tin trên phương tiện truyền thông cho rằng Bắc Kinh có thể đi xa tới mức tuyên bố vùng cấm bay đối với Đài Loan hoặc cử chiến đấu cơ đến giám sát máy bay của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Chuyến đi của bà Pelosi không phải là lần đầu tiên một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan. Năm 1997, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã đến Đài Loan vài ngày sau chuyến đi của ông đến Bắc Kinh và Thượng Hải.