Vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse khiến cả nước choáng váng và các nhà lãnh đạo thế giới bàng hoàng. Nhiều người sống ở quốc gia vùng Caribe, với khoảng 11 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói và bạo lực gia tăng, hiện đang đối mặt với một tương lai bất định.
Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước ngay sau vụ tấn công. Ông Joseph đã tuyên bố “tình trạng bị bao vây” ở Haiti, nói rằng ông không muốn đất nước “chìm trong hỗn loạn”.
Tổng thống Jovenel Moise và phu nhân Martine trong lễ nhậm chức tổng thống ở Port-au-Prince, Haiti ngày 7/2/2017. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Haiti bị ám sát
Theo ông Joseph, Tổng thống Jovenel Moïse đã bị “một nhóm các cá nhân không rõ danh tính, trong đó một số người nói tiếng Tây Ban Nha” ám sát tại nhà riêng vào khoảng 1h sáng 7/7.
Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moïse cũng bị bắn trong vụ tấn công và đang được điều trị vết thương, ông Joseph cho biết trong một tuyên bố.
Ông Jovenel Moïse, 53 tuổi, từng là chính trị gia với xuất phát điểm là một nhà xuất khẩu chuối, đã dành phần lớn thời gian trong năm 2020 để tiến hành một cuộc chiến chính trị với phe đối lập trong suốt nhiệm kỳ tổng thống.
Bất ổn chính trị và khủng hoảng nhân đạo
Vụ ám sát Tổng thống Moïse diễn ra trong bối cảnh Haiti rơi vào tình trạng bất ổn chính trị khi nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ để trống và quốc hội nước này đã giải tán. Các nhà lãnh đạo đối lập của Haiti từ lâu đã kêu gọi ông Moïse từ chức.
Tình trạng tội phạm bạo lực gần đây đã leo thang ở thủ đô Port-au-Prince, bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích vào cảnh sát và đốt phá nhà dân. Jimmy Cherizier, một cựu cảnh sát “khét tiếng” hồi tháng 6 đã tuyên bố trước truyền thông địa phương rằng, ông sẽ thực hiện một “cuộc cách mạng” tại thủ đô. Theo Liên hợp quốc, vào tháng 6, hơn 13.000 người đã rời khỏi nhà ở Port-au-Prince để đến các nơi trú ẩn tạm thời.
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng cực đoan và cảnh sát để kiểm soát đường phố của thủ đô đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo của Haiti trở nên tồi tệ hơn. Điều này đã đe dọa nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu bị tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 đang tăng đột biến ở Haiti. Tháng 6, Tiến sĩ Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Pan American, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hỗ trợ Haiti chống lại COVID-19.
Haiti đã phải đối mặt với tình hình kinh tế tồi tệ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của nước này suy giảm thêm 3,8% vào năm 2020, với khoảng 60% dân số hiện đang sống trong cảnh nghèo đói.
Tình trạng bạo lực gia tăng gần đây ở thủ đô Port-au-Prince đã làm gia tăng những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt, đồng thời làm phức tạp công việc của các nhóm viện trợ như Bác sĩ không biên giới và UNICEF trong việc tiếp cận những người dễ bị tổn thương.
Vào cuối tháng 5, UNICEF cảnh báo rằng tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em ở Haiti dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay do nước này phải đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng, đại dịch COVID-19 và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như nước sạch.
Tổng thống Jovenel Moïse - nhân vật gây tranh cãi
Đã có nhiều tranh cãi về việc ông Jovenel Moïse tiếp tục nắm quyền tổng thống trong năm nay.
Mỹ, Liên hợp quốc và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ủng hộ ông Moïse tiếp tục cầm quyền năm thứ 5 liên tiếp, đến năm 2022.
Tuy nhiên, phe đối lập, vốn cáo buộc ông Moïse tham nhũng và làm mất an ninh trong nước, lập luận rằng đáng lẽ nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào ngày 7/2 do một điều khoản trong hiến pháp bắt đầu tính nhiệm kỳ sau khi tổng thống đắc cử, chứ không phải sau khi ông nhậm chức.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise tại Mỹ năm 2016. (Ảnh: AFP)
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Tổng thống Moïse đã nhiều lần không tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương và cấp quốc gia, khiến nhiều vị trí trong bộ máy quản trị cấp nhà nước và địa phương bị bỏ trống.
Haiti hiện đang hướng tới các cuộc bầu cử và một cuộc trưng cầu dân ý để sửa đổi hiến pháp vào mùa thu này. Cuộc trưng cầu dân ý đã được ông Moïse ủng hộ như một cơ hội để củng cố vị trí Tổng thống Haiti.
Ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Haiti?
Thẩm phán Jean Wilner Morin, chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán Quốc gia Haiti, nói với CNN rằng, hiện chưa rõ ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Jovenel Moïse.
Chánh án Tòa án Tối cao lẽ ra sẽ là kế nhiệm tổng thống khi có biến cố xảy ra, tuy nhiên người giữ vị trí này là ông René Sylvestre lại vừa qua đời vì COVID-19. Ông Morin cho biết, lễ tang của ông Sylvestre dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/7.
Theo ông Morin, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph cần phải được Quốc hội Haiti phê chuẩn mới có thể chính thức thay thế tổng thống. Tuy nhiên, vì quốc hội không còn tồn tại nên ông Joseph không thể thay thế tổng thống.
Ngày 5/7, ông Moïse đã bổ nhiệm một Thủ tướng khác là Tiến sĩ Ariel Henry. “Vì vậy, chúng ta đang ở trong tình huống có hai Thủ tướng. Một Thủ tướng đang tại vị và một người khác được bổ nhiệm hợp pháp bởi Tổng thống. Vậy ai trong số hai Thủ tướng này sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước?”, thẩm phán Morin nói.
Ông Morin cho biết, còn có một kịch bản kế nhiệm khác có thể xảy ra. “Tiền lệ là vào năm 2015, chính Chủ tịch Quốc hội đã thay thế Tổng thống. Hiện tại, chúng ta không có Chủ tịch Quốc hội, nhưng vẫn có 1/3 Thượng viện trong Quốc hội do cựu thượng nghị sĩ Joseph Lambert chủ trì”, ông Morin nói.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/7, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph kêu gọi người dân bình tĩnh. “Tình hình an ninh trong nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Cảnh sát Quốc gia Haiti và Lực lượng vũ trang Haiti”, ông Joseph nói.
Ông Joseph cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “mở cuộc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Moïse và Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Haiti càng sớm càng tốt”.
Phản ứng của Mỹ trước vụ ám sát
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã gọi vụ ám sát Tổng thống Moïse là một “tội ác kinh hoàng” và cam kết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đứng về phía người dân Haiti.
“Đó là một tội ác kinh hoàng và chúng tôi rất lấy làm tiếc cho sự mất mát mà người dân Haiti đang phải chịu đựng và đang trải qua. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và luôn sát cánh bên người dân Haiti”, bà Psaki nói.
“Chúng tôi vẫn đang thu thập các thông tin cụ thể về vụ việc. Và tất nhiên, đại sứ quán và Bộ Ngoại giao của chúng tôi sẽ liên tục cập nhật tình hình”, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết.
Vào tháng 5, chính quyền ông Biden đã cấp quyền bảo vệ nhân đạo cho một số người Haiti ở Mỹ, cho phép khoảng 100.000 người nộp đơn đăng ký để được ở lại nước này một cách hợp pháp.
Theo CNN, sự bất ổn ngày càng tăng trong nước có thể làm phức tạp các quyết định sắp tới về việc trục xuất người Haiti khỏi Mỹ trong tương lai.