"Tổng thống từ lâu đã làm rõ rằng hiệp ước NEW START có lợi cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Việc gia hạn càng có ý nghĩa hơn khi mối quan hệ với Nga đang trong tình trạng đối đầu như hiện nay", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo hôm 21/1.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Valdimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý gia hạn.
Với việc cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước quốc phòng Bầu trời Mở, New START trở thành văn kiện chiến lược cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai siêu cường quân sự. New START quy định mỗi nước được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược các loại trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ.
Bà Psaki nói thêm rằng ông Biden cũng "giao nhiệm vụ" cho cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá đầy đủ về vụ tấn công mạng nhằm vào nhiều cơ quan chính phủ Mỹ cuối năm trước, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2020, vai trò của Matxcơva trong vụ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny bị đầu độc và thông tin Nga treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan.