“Chúng ta sẽ cần vaccine và có hy vọng rằng vào cuối năm nay chúng ta có thể có vaccine. Điều này là có hy vọng”, Tổng Giám đốc WHO Tedros nói trước Ban điều hành của WHO mà không cung cấp thêm chi tiết.
Chín loại vaccine thử nghiệm đang được triển khai tại cơ sở vaccine toàn cầu COVAX của WHO nhằm phân phối 2 tỷ liều vào cuối năm 2021. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi sự đoàn kết và cam kết chính trị của nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới để đảm bảo việc phân phối vaccine một cách bình đẳng khi có sẵn.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Cuộc họp Ban điều hành của WHO kéo dài 2 ngày nhằm xem xét phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19. Tại đây, nhiều lời kêu gọi được đưa ra từ các quốc gia (trong đó có Đức, Anh và Australia) về việc cải tổ để củng cố cơ quan y tế của Liên hợp quốc.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ vai trò của WHO trong cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu, cáo buộc tổ chức này ở “thiên vị” Trung Quốc và nghi ngờ cách hành xử của Bắc Kinh vào cuối năm ngoái khi virus lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO bác bỏ các cáo buộc và cho biết cơ quan y tế của Liên hợp quốc đã thông báo cho thế giới về đại dịch và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh.
Ủy ban điều tra độc lập về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19 của WHO, gọi tắt là IPPR, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, tháng trước đã bắt tay phục vụ điều tra.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có được những bài học thực tế mà chúng tôi có thể thực hiện và ngăn chặn điều tương tự xảy ra. Tôi đảm bảo, WHO sẵn sàng học hỏi từ điều này và thay đổi tổ chức”, ông Tedros nói.
Hiện các quốc gia trên thế đang chạy đua để bào chế vaccine COVID-19. Hôm 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine COVID-19, đặt tên là Sputnik V.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, vaccine COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya phát triển đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn của nó trong các kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Vào tháng 8, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết, Nga đã nhận được yêu cầu sản xuất và cung cấp 1 tỉ liều vaccine Sputnik V từ 20 quốc gia.