Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tổng cục trưởng QLTT: ‘Cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân’

Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh cho rằng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội thì hiện nay “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân”.

Chiều 21/1, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thừa nhận trong năm 2020, công tác chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử là một trong những vấn đề nóng nhất nhưng cũng là khó khăn nhất của lực lượng này.

Theo ông Linh, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói hiện nay "cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân", mỗi người có thể mua hàng bất cứ đâu và bán hàng tới mọi nơi.

"Trong năm tới, nhiệm vụ chính của QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, chứ không phải đi bắt, đi kiểm tra ở ngoài phố, vì ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống thì hiện nay cũng thoả thuận trước trên mạng xã hội", ông nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Tạp chí Công Thương

Ngoài ra, theo ông một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

"Đặc biệt, việc sử dụng thương mại điện tử “muôn hình vạn trạng” khó kiểm soát khi lực lượng còn mỏng và sự tiếp thu công nghệ còn hạn chế khi chưa được đào tạo bài bản", ông chia sẻ.

Ông Linh cũng nhận định, các hành vi gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, với các thủ đoạn tinh vi, nhằm trốn lậu thuế, lừa dối người tiêu dùng như lập nhiều tài khoản Facebook quảng cáo, không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng...

"Hầu như ngày nào đơn vị cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người dân về mua hàng online, mua phải hàng kém chất lượng, không giống sản phẩm...", ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết trong phần tham luận.

Ông cũng thừa nhận lực lượng này đang có nhiều vướng mắc khi xử lý các vi phạm về thương mại điện tử. Theo ông, lực lượng chức năng đang gặp khó trong việc bố trí lực lượng chuyên trách, chuyên môn để định vị kho hàng, chứng minh thủ đoạn vi phạm là điều không dễ.

"Nhiều doanh nghiệp lợi dụng các chung cư, nhiều khu trung tâm thương mại bỏ trống để đặt kho hàng khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn", ông nêu ví dụ.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho rằng bên cạnh việc tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển thì cũng cần tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

Về vấn đề chống buôn lậu gian lận hàng giả, hàng nhái, thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT cần xây dựng các phương án, kế hoạch, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai có hiệu quả để bảo đảm trong năm 2021 tiếp tục tạo được sự chuyển biến rõ rệt về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong năm 2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 352 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính hơn 136 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 392 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.

Nguồn: Zing News

Tin mới