Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tổng Bí thư Tô Lâm: Khẩn trương tháo gỡ các 'điểm nghẽn' pháp lý

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại.

Kỷ niệm Ngày pháp luật Việt Nam 9/11, sáng nay (7/11), tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm và chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. 

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc làm việc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành 31 nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng pháp luật, chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 43 luật, 19 nghị quyết quy phạm trình Chính phủ ban hành 552 nghị định, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt liên quan đến công tác pháp luật quốc tế và các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài, Bộ thẩm định 125 điều ước quốc tế, góp ý 807 điều ước, thoả thuận quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện hơn 8.200 hồ sơ về uỷ thác tư pháp, qua đó hỗ trợ cho các toà án và các cơ quan Tư pháp Việt Nam và nước ngoài giải quyết đúng các vụ án, vụ việc liên quan…

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tập thể cán bộ, công chức viên chức người lao động của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp trong cả nước.

Biểu dương những thành tích, kết quả mà Bộ đạt được trong những năm qua, nổi bật là 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta giành được độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển vì chúng ta có Hiến pháp và thực thi thành công Hiến pháp và pháp luật.

Đến nay, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường…

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Sau khi chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm, công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân.

Theo Tổng Bí thư, không phải ngẫu nhiên mà từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, trọng tâm là đột phá về pháp luật là đột phá chiến lược.

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, thời gian tới Bộ Tư pháp nói chung và toàn ngành Tư pháp tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu vươn tới của các điều luật là: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và đảm bảo trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch và dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển.

Riêng đối với chương trình xây dựng Luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hàng năm, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ 2 yêu cầu đối với toàn ngành Tư pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hoá để xây dựng, đề xuất Chương trình.

Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại.

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.

Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Thực hiện cơ chế “Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.

Tổng Bí thư yêu cầu phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. 

Dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị, Bộ Tư pháp chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp theo tinh thần "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung", cùng với cơ chế bảo vệ đối với cán bộ làm công tác pháp luật khi không vi phạm điều cấm, không vụ lợi, lạm dụng quyền lực.

Văn Hiếu (VOV)

Tin mới