AFP dẫn lời một số quan chức EU và các nhà ngoại giao châu Âu cho biết bản dự thảo về kế hoạch cho các nước thành viên về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga được thông qua vào đêm muộn vì lập trường không thống nhất giữa các quốc gia thành viên.
Theo đề xuất, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga theo giai đoạn từ 6 đến 8 tháng. Riêng Hungary và Slovakia được phép kéo dài thêm vài tháng.
Nhưng Slovakia, giống như Hungary gần như phụ thuộc 100% nguồn dầu thô của Nga qua đường ống Druzb cho biết họ cần thêm vài năm.
Các nước EU chia rẽ trong việc cấm nhập dầu Nga. (Ảnh: AP)
Nhà máy lọc dầu của Slovakia được thiết kế để hoạt động với dầu Nga nên cần được đại tu hoặc thay thế toàn diện để xử lý dầu nhập về từ nơi khác. Đây là quá trình tốn kém và kéo dài.
Các quan chức giấu tên tham gia cuộc đàm phán căng thẳng về mặt pháp lý và ngoại giao cho biết Bulgaria và Czech cũng có thể tìm cách từ chối tham gia biện pháp trừng phạt này.
Một số nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo việc miễn trừ cho một hoặc hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu Nga có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến các nước khác đưa ra yêu cầu tương tự từ đó làm suy yếu lệnh cấm vận.
Theo AFP, đại sứ từ 27 quốc gia EU sẽ nhóm họp trong hôm nay (4/5) để thống nhất một lần nữa về gói trừng phạt mới vốn cần sự đồng thuận của toàn bộ quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ phát biểu trước Nghị viện châu Âu trong hôm nay.
Phát biểu trong chuyến thăm khu vực Mỹ La tinh mới đây, Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell biết khối này đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Nga.
“Sẽ có thêm nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Chúng tôi cũng đang soạn thảo các đề xuất để hạn chế việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt là dầu mỏ”, ông Joseph Borrell nói.
Các nhà phân tích nhận định, khác với quyết định dừng sử dụng than đá của Nga được thông qua trong tháng 4/2022, biện pháp trừng phạt dầu mỏ nếu được thông qua thì sẽ là đòn đánh mạnh đối với Nga. Tuy nhiên, việc tìm tiếng nói chung giữa các nước thành viên EU trong vấn đề này được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn.
EU nhập khẩu hơn 3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu cả khối nhập khẩu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Tới thời điểm hiện tại, EU đã thông qua 5 gói trừng phạt với Nga, trong đó có lệnh cấm vận với than đá, lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ Euro cho Nga và đóng băng tài sản của một số ngân hàng nước này.
EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, bao gồm nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng với giá trị ước tính 5,5 tỷ Euro mỗi năm.