Thông tin này được Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times hôm 25/4. Ông cho rằng, biện pháp trừng phạt phải đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với các quốc gia thành viên EU.
"Chúng tôi đang thực hiện gói trừng phạt thứ sáu và một trong những vấn đề chúng tôi đang xem xét là một số hình thức của lệnh cấm vận dầu mỏ. Khi áp đặt các biện pháp trừng phạt, chúng tôi cần phải làm theo cách tối đa hóa áp lực lên Nga đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho chính mình", ông Valdis Dombrovskis nói.
EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt Nga từ khi Moskva mở chiến dịch tấn công Ukraine.
Theo ông Valdis Dombrovskis, chi tiết chính xác của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ vẫn chưa được thống nhất nhưng có thể bao gồm việc loại bỏ dần dầu của Nga hoặc áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vượt quá giới hạn về giá.
Trong khi đó, tờ Politico ngày 22/4 đưa tin, EC sẽ đề xuất dự thảo gói trừng thứ 6 đối với Nga cho các nước EU trong tuần này. Nó có thể bao gồm những hạn chế nhất định đối với nguồn cung dầu và các chính sách tài chính, đặc biệt là cắt thêm một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Trước đó, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết, EU đã không có đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên đối với lệnh cấm vận hoàn toàn hoặc thông qua thuế quan trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Ông Josep Borrell cho hay, hiện tại, các nước thành viên chưa có được quan điểm thống nhất về vấn đề này. Chủ đề này dự kiến sẽ được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 5. Theo ông Josep Borrell, tất cả các quốc gia EU đều đang nỗ lực để giảm tối đa sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Đến nay, EU tung 5 gói trừng phạt lên Nga, song chưa có lệnh cấm vận lên dầu mỏ và khí đốt của Moskva. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, EU lạc quan về khả năng tự loại bỏ khí đốt của Nga, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ có thể cắt giảm 2/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ vào cuối năm nay. Theo Ủy ban châu Âu, nhiên liệu thay thế sẽ được nhập từ Mỹ, Na Uy và Azerbaijan. EU hiện chuyển khoảng 850 triệu USD cho Nga mỗi ngày để mua dầu và khí đốt của Moskva.