Hôm vừa rồi đi mua đồ ở cửa hàng tiện lợi gần nhà, cô thu ngân đề nghị tôi nhận kẹo cao su thay vì 1.000 đồng tiền thừa. Tôi không đồng ý, vì tôi không dùng loại kẹo đó, những lần trước mang về cũng để hỏng rồi bỏ đi, rất phí phạm. Cô gái nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm, thậm chí mang tính kỳ thị, rồi mạnh tay lục lọi ngăn kéo đựng tiền với thái độ “đá thúng đụng nia” để lấy 1.000 đồng đưa cho tôi. Trước khi quay đi, tôi còn kịp nhìn thấy cái bĩu môi kín đáo của cô ấy.
Cách đây khá lâu, tôi đi mua xăng, đổ đầy bình xe máy. Khi cậu bán xăng khoát tay giục tôi đi nhanh cho khách hàng kế tiếp vào chỗ, tôi nhắc: “Em chưa đưa chị tiền thừa”. Lúc này cậu ấy mới thông báo: “Em hết mất tờ 1.000 rồi chị ạ”. Mấy giây sau, thấy tôi vẫn đứng đó, cậu ấy nói to như cố tình tố cáo tôi: “Thôi chị cho em xin đi, có 1.000 đồng thôi mà”.
Nhưng tôi vẫn yêu cầu trả lại tiền thừa. Vấn đề không phải là 1.000 đồng, mà là thái độ của nhân viên cây xăng đối với tiền của khách. Nếu ngay lúc đầu, cậu ấy nói luôn là không có tờ tiền lẻ ấy, tôi sẽ thông cảm và đi. Nhưng rõ ràng cậu ấy nghiễm nhiên coi như không cần thối lại tiền. Con số bao nhiêu cũng là tiền của khách, họ phải tôn trọng và có trách nhiệm trả, còn có muốn nhận lại hay không là quyền của khách chứ.
Cậu bán xăng rốt cục đã gọi đồng nghiệp ở máy bên cạnh lấy 1.000 đồng trả tôi với thái độ bực bõ và giọng điệu mỉa mai. Khách hàng phía sau có người không rõ chuyện trách tôi keo kiệt: “Có mỗi 1.000 đồng thôi mà khiếp quá”.
Tôi cảm thấy rất buồn vì bị xúc phạm oan uổng. Tôi có gì sai khi đòi lại tiền của mình và đòi hỏi ở người bán cách cư xử đúng đắn với tiền của khách?
Tiền thừa nên được trả đủ cho khách dù chỉ là con số rất nhỏ.
Ở các nước châu Âu hay Nhật Bản, họ rất giàu nhưng luôn rạch ròi về sở hữu, 1 xu lẻ cũng được trả lại cho khách dù phải dùng cả nắm xu ấy mới mua được món hàng rẻ nhất. Nhưng ở ta, ép khách quy tiền lẻ thành kẹo là chuyện rất phổ biến. Nhiều cô thu ngân thản nhiên nói với vị khách không muốn nhận kẹo: “Thế em xin anh/chị 1.000 này nhé vì em hết tiền lẻ rồi”, và người nào không đồng ý dễ bị mọi người cho là keo kiệt hoặc gây khó dễ, ảnh hưởng đến những khách khác đang chờ. Rõ ràng lỗi thuộc về người bán nhưng khách hàng lại thành đối tượng bị chỉ trích.
Kiên quyết lấy lại tiền thừa, không phải tôi keo kiệt, tôi chỉ muốn mọi người học cách cư xử rạch ròi, sòng phẳng, văn minh hơn trong giao dịch. Khi sử dụng dịch vụ, tôi "boa" cho các nhân viên một vài trăm nghìn đồng là chuyện bình thường, nhưng tôi không hài lòng nếu người ta coi chuyện không trả một vài nghìn đồng tiền thừa cho tôi là đương nhiên. 1.000 hay 1 triệu đồng thì cũng là tiền của tôi mà, phải không?
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.