Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Toàn cảnh cuộc xung đột bất ngờ giữa Armenia và Azerbaijan

(VTC News) -

Ít nhất 16 binh sỹ Armenia thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với quân đội Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định thương vong xảy ra sau khi Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vào sáng 27/9.  

Trong khi đó, Azerbaijan cáo buộc ngược lực lượng vũ trang Armenia thực hiện pháo kích vào khu dân cư của nước này tại khu vực Karabak làm nhiều dân thường thiệt mạng. 

Cả Armenia và Azerbaijan đều ban bố tình trạng thiết quân luật sau vụ đụng độ này. 

Binh lính Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh. (Ảnh: Reuters)

Theo giới chức Azerbaijan, lực lượng quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 7 ngôi làng. Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai do Armenia nắm giữ ban đầu phủ nhận thông tin trên, sau đó thừa nhận mất một số vị trí và nói rằng đã có một số thương vong dân sự. 

Azerbaijan và Armenia là 2 quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã xung đột trong nhiều năm tại Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực có đa số dân là người Armenia nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan. 

Vào đầu thập niên 1990, lực lượng ly khai người Armenia, với sự hậu thuẫn của chính quyền Armenia đã kiểm soát được vùng này.

Chiến sự chấm dứt với lệnh ngừng bắn vào năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này. Cả 2 bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công ở xung quanh Nagorno-Karabakh.

Các cuộc đụng độ mới đây thúc đẩy làn sóng ngoại giao nhằm giảm căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ ở khu vực này, 

Hôm 27/9, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan có cuộc điện đàm, trong đó 2 bên kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt những xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hối thúc Azerbaijan và Armenia kiềm chế tối đa sau các cuộc xung đột. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, thúc giục các bên quay trở lại bàn đàm phán do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giám sát. 

Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết Washington đang xem xét một số bước đi để ngăn chặn căng thẳng bùng phát tại khu vực tranh chấp này. 

"Chúng tôi có nhiều mối quan hệ ở khu vực đó. Chúng tôi sẽ xem xét liệu chúng tôi có thể ngăn chặn nó hay không", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 27/9. 

Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cũng khẳng định các hành động thù địch có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn. Ông kêu gọi chính quyền Trump thúc đẩy bố trí thêm các quan sát viên dọc khu vực này và ngăn chặn việc Nga "cung cấp vũ khí cho cả hai bên”.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới