Dù vị lãnh đạo trong 4 năm tới sẽ là ai – đương kim Tổng thống Donald Trump hay ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden - bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có lẽ sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ như là một cuộc đua với những sự kiện lạ lùng và những kỷ lục chưa từng thấy.
- Phiên tranh luận bị hủy bỏ vì ứng viên bị mắc bệnh
Ngày 3/10, cả thế giới, không riêng gì nước Mỹ xôn xao trước công bố của Nhà Trắng về việc Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump dương tính với virus SARS-Cov-2, mở đầu chuỗi rắc rối cho chiến dịch tranh cử đang hồi nước rút của ông.
Trump đeo khẩu trang khi tới bệnh viện chữa COVID-19. (Ảnh: CNP)
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, cuộc tranh luận Tổng thống phải hủy bỏ vì ứng viên “bị ốm”. Dẫu vậy, hai người vẫn tiến hành hai hoạt động tiếp xúc cử tri trên truyền hình ở hai kênh khác nhau vào đúng thời gian cuộc tranh luận thứ hai bị hủy bỏ.
- Bỏ phiếu trước đạt kỷ lục mới
Tính đến ngày 30/10, đã có 80 triệu cử tri bỏ phiếu trước thông qua hình thức bỏ phiếu qua thư. Đây thực sự là con số kỷ lục. Bởi trong cuộc bầu cử 2016, tổng số cử tri đi bầu cũng chỉ đạt con số 120 triệu người. Theo nhiều chuyên gia bình luận, năm nay có lượng người bỏ phiếu sớm là bởi vì đại dịch COVID-19 khiến người dân lo ngại.
- Thay đổi lãnh đạo tòa án tối cao ngay trước thềm bầu cử
Sự ra đi của cố Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg và người kế nhiệm do ông Trump chỉ định - Amy Coney Barrett – nhậm chức trở thành sự kiện mang tính lịch sử của cơ quan này. Không chỉ vậy, giới quan sát đánh giá việc Trump bổ nhiệm người ủng hộ mình vào vị trí thẩm phán tối cao có lợi rất nhiều cho ông trong quá trình bầu cử. Nước Mỹ đã có tiến trình phê chuẩn nhanh nhất từ trước đến nay cho vị trí này: chưa tới 40 ngày.
Bà Barrett được cho là sẽ giúp củng cố thế đa số vững chắc cho phe bảo thủ tại Tòa án tối cao. Hơn nữa, ở tuổi 48, nữ thẩm phán này sẽ còn rất nhiều thời gian để giúp phe bảo thủ giữ vững những quan điểm chính sách của họ trong nhiều thập kỷ tới.
- Bầu cử trong bối cảnh suy thoái kinh tế
GDP quý II của Mỹ giảm 32,9%, mức giảm thấp nhất từ năm 1947, gấp gần 4 lần quý tệ nhất lúc khủng hoảng tài chính. Mức sụt giảm GDP quý II năm nay cao gấp gần 4 lần đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV năm 2008.
Số liệu GDP quý III/2020 của Mỹ. (Ảnh: CNBC)
Các hoạt động kinh doanh trong hai quý đầu năm 2020 của Mỹ ngưng trệ vì các biện pháp phong toả. Đại dịch khiến chuỗi tăng trưởng kinh tế dài nhất của Mỹ chấm dứt và xoá sạch thành quả kinh tế 5 năm chỉ sau một vài tháng.
Đây thậm chí còn không phải một cuộc suy thoái thông thường. Sự cộng hưởng giữa khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng và kinh tế là chưa từng thấy. Những con số không thể truyền tải đầy đủ những khó khăn mà hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt.
Quý III/2020 cho thấy một sự hồi phục kỳ diệu của nước Mỹ, đạt mức tăng GDP lên tới 33,1%.
- Hai ứng viên đều có bê bối và đều bị truyền thông mổ xẻ
Vào mỗi “mùa” bầu cử, truyền thông Mỹ luôn có đề tài để mổ xẻ - những bê bối của các ứng viên đại diện cho các đảng. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020, truyền thông thế giới ngập tràn tin tức vụ trốn thuế nhiều năm của ông Trump và vụ con trai Joe Biden “kinh doanh phi pháp” ở Ukraine.
Nếu như ông Trump vẫn luôn khẳng định mình nộp hàng triệu USD tiền thuế trước tin đồn ông trốn thuế và chỉ nộp 750 USD tiền thuế trong hai năm liền thì ông Biden phải đối phó với các thông tin khẳng định con trai Hunter dựa vào danh tiếng của ông để tiến hành các hoạt động “kinh doanh phi pháp” ở nước ngoài. Dĩ nhiên, cả hai ứng viên đều phủ nhận các cáo buộc.
Nhận định về một nước Mỹ chia rẽ đã nhen nhóm từ trước nhưng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và càng gần đến ngày bầu cử, hàng loạt sự vụ “ngẫu nhiên” diễn ra khiến sự chia rẽ này trở nên bất an một cách rõ ràng hơn.
Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc tại Mỹ sau vụ việc của George Floyd.
Hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối bạo lực chủng tộc nổ ra, khởi nguồn từ việc người dân đòi công bằng cho George Floyd, công dân Mỹ da màu bị cảnh sát ghì cổ chết trong khi bắt giữ. Các buộc biểu tình bao gồm cả ôn hòa lẫn bạo lực, một số leo thang đến đụng độ gay gắt giữa cảnh sát và người biểu tình, một số trở thành nơi nảy sinh cướp bóc và phá hoại.
Câu chuyện của George Floyd không phải là lần đầu tiên diễn ra, nên có nhiều phân tích xung quanh việc tại sao sự việc này lại làm bùng lên nhiều biến cố liên tiếp khiến nước Mỹ rơi vào những tháng ồn ào đến như vậy. Các cuộc biểu tình này đã tiếp tục khơi lại những khác biệt nằm sâu bên trong xã hội Mỹ về vấn đề chủng tộc mà họ vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Ngành cảnh sát gặp khủng hoảng khi nhu cầu cải cách được nhấn mạnh. Hàng loạt cảnh sát xin nghỉ việc sau vụ của George Floyd. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/6 ký sắc lệnh cải cách hoạt động của ngành, liên quan đến các nỗ lực điều chỉnh việc sử dụng vũ lực với nghi can, và sử dụng vũ khí ít gây sát thương chết người. Song cải cách này được cho là chưa đủ.
Các chính sách nhập cư của chính quyền ông Trump cũng gây tranh cãi. “Bức tường biên giới” – biểu tượng và cũng là một dự án thực tế, là nền tảng xuyên suốt trong các chính sách nhập cư nhiệm kỳ của ông. Từ những lời hứa hạn chế nhập cư, vị Tổng thống đảng Cộng hòa “miệt mài” thực hiện việc xây tường dọc biên giới và đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của dự án này. Các chính sách nhập cư khác cũng được điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn, hướng tới tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời “bảo vệ việc làm cho người Mỹ”.
Nhưng trong những “giọt nước tràn ly” đối với hàng loạt mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ, COVID-19 có lẽ là cú sốc lớn nhất. Khi COVID-19 phủ bóng toàn cầu thì nước Mỹ cũng không nằm ngoài tầm ảnh hướng, song có lẽ ban đầu ít người hình dung nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các tranh cãi nổ ra xung quanh cách chính quyền phản ứng với đại dịch. Chính quyền liên bang và tiểu bang, hạ viện và thượng viện mâu thuẫn về phân bổ nguồn lực cứu trợ khi nền kinh tế bị ảnh hưởng. Con số thiệt hại về người tiếp tục gia tăng, vượt qua những mốc dự đoán ban đầu.
Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) hôm 8/6 cho biết, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái từ tháng 2/2020. Đại dịch khiến hàng loạt doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa, làm chậm và kéo lùi hầu hết hoạt động kinh tế. GDP của nền kinh tế số 1 thế giới nhiều khả năng phải đến quý IV/2029, tức gần 10 năm, mới có thể trở lại mức dự báo ban đầu.
Với phương châm “nước Mỹ trên hết” (American First), Mỹ rút ra khỏi một loạt các cơ chế đa phương như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Nhìn chung, với “nghệ thuật thỏa thuận” của ông Trump, chính quyền Trump dường như sẽ rút khỏi bất cứ thỏa thuận nào được cho là không có lợi cho nước Mỹ.
Hai đội tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông.
Điều này làm dấy lên nghi ngại về xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc, bài trừ chủ nghĩa đa phương, trong bối cảnh mà thế giới được cho là đang đối mặt với nhiều thách thức cả cũ và mới cần phối hợp giải quyết.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng “American First” đã đưa ông Trump lên vị trí Tổng thống vào năm 2016. Trong bối cảnh hiện tại, chưa rõ người dân Mỹ sẽ lựa chọn như thế nào.
Ông Trump cũng gây phản ứng từ một số đồng minh khi thúc đẩy các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, nhắc lại lời hứa sẽ giảm quân số của Mỹ ở nước ngoài. Nhiều ý kiến phê bình chỉ trích chính quyền Trump tạo ra căng thẳng với các đồng minh lịch sử của Mỹ trong khi “đón nhận” các đối thủ như Triều Tiên và Nga.
Trong khi đó, Mỹ dấn sâu vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, khiến nhiều người lo ngại về một “Chiến tranh lạnh mới”.
Chủ trương cứng rắn với Trung Quốc là một trong những đường hướng hiếm hoi mà cả hai đảng lớn của Mỹ có nhiều điểm đồng thuận. Từ cuộc chiến thương mại, Mỹ và Trung Quốc đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác như công nghệ, an ninh, đối ngoại.
Theo chính quyền Trump, những đối đầu này cũng không nằm ngoài “American First”, bảo vệ lợi ích cho người Mỹ, cụ thể như bảo vệ an ninh quốc gia, việc làm, giảm thâm hụt thương mại,… Tuy nhiên sự cạnh tranh này đã gây ra không ít thiệt hại cho cả hai bên.
Joe Biden
Một trong những thế mạnh hiện tại của ông Biden là sự ủng hộ. Gần như thành viên của đảng Dân chủ, từ các hạ nghị sỹ cho tới giới lãnh đạo đảng này đều nhất mực đồng thuận việc cựu Phó Tổng thống trở thành nhà lãnh đạo Mỹ.
Thậm chí ở cả đảng Cộng hòa, nhiều chính trị gia cũng bắt đầu tính tới "nhiệm kỳ Biden", quay sang thể hiện thái độ không hài lòng với ông Trump để giành lấy lòng tin của cử tri trong các cuộc bầu cử ở bang mình.
Trong bức thư công bố hồi cuối tháng 9, một nhóm lưỡng đảng gồm 489 cựu quan chức an ninh Mỹ tuyên bố ủng hộ ông Biden, nhấn mạnh Tổng thống Trump đã chứng tỏ ông không thể đảm nhận trọng trách tại Nhà Trắng.
Chỉ vài ngày mới đây, hơn 700 nhà kinh tế học từ các tổ chức lớn ký vào lá thư kêu gọi ngăn ông Trump tái đắc cử. Họ bày tỏ sự bất mãn với chính sách kinh tế và phản ứng lóng ngóng của chính quyền trước đại dịch cũng như việc lan truyền "thông tin sai sự thật nguy hiểm".
Không chỉ trên chính trường, ở mặt trận truyền thông, ông Biden cũng đang áp đảo. New York Times, CNN, NBC News, Washington Post, USA Today - những tờ báo uy tin đều tỏ rõ thái độ "chống Trump kịch liệt". Thậm chí mới đây, New Hampshire Union Leader - tiếng nói ủng hộ Đảng Cộng hòa hơn 1 thế kỷ nay cũng lên tiếng ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ.
Tổng thống Trump giờ chỉ còn có những cứu cánh từ những tờ thân cận chưa bao giờ quay lưng với ông là Fox News, New York Post.
Một lợi thế to lớn khác cho ông Biden là sự quay lưng của đảng viên đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump. Theo một số chuyên gia, sau 4 năm điều hành đất nước, ông Trump chưa chứng minh được khả năng biến các chính sách của mình thành việc làm thực sự cho người lao động Mỹ như ông tuyên bố khi tranh cử.
Cộng thêm tác động của đại dịch COVID-19, nhiều người bắt đầu chán nản cho rằng những cam kết của vị Tổng thống đương nhiệm chỉ là những lời hứa suông. Họ bất mãn trước cách chính quyền xử lý đại dịch cũng như việc ông chủ Nhà Trắng coi nhẹ loại virus cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người Mỹ.
Tâm lý ghét Trump từ đó thôi thúc họ - những cử tri Cộng hòa điền tên Biden vào lá phiếu của mình.
Donald Trump
Không thể phủ nhận trước COVID-19, kinh tế Mỹ khởi sắc đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trước dịch giảm xuống mức thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán Phố Wall thiết lập đỉnh cao mọi thời đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cực kỳ ấn tượng, các chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều ở mức cao. Sự thay đổi rõ ràng nhất nằm ở ngành bất động sản và ngành sản xuất. Đây là 2 ngành này chứng kiến sự bành trướng quy mô ở tốc độ kỷ lục trong hơn 3 năm qua.
Theo các chuyên gia, nếu tái đắc cử, ông Trump vẫn sẽ kiên định theo đuổi các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên. Về căn bản, các chính sách này được thiết kế nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân - nguồn cung của nền kinh tế phát triển nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là vẫn sẽ kiên trì với chính sách nước Mỹ trên hết của mình. Ông không ngại đặt ra giá trị của các liên minh, rút Mỹ ra khỏi các thỏa thuận mà theo ông là không có lợi cho Washington. Với nhiều người, đây là dấu hiệu cho sự thoái lui của Mỹ khỏi vị trí lãnh đạo thế giới. Nhưng với không ít người Mỹ - những người đã mệt mỏi với danh hiệu "cảnh sát toàn cầu", họ muốn Tổng thống của mình tập trung vào chỉ họ thay vì lo "chuyện bao đồng".
Một đặc điểm nữa ghi điểm trong mắt cử tri của vị Tổng thống đương nhiệm là chính sách "chống Trung Quốc" xuyên suốt và toàn diện của ông xuyên suốt nhiệm kỳ vừa qua.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh, ông Trump tìm cách kìm chân nền kinh tế thứ 2 thế giới bằng cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 2 năm qua, các đợt tấn công vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Liên quan tới các vấn đề như Hong Kong hay Biển Đông, chính quyền Trump liên tiếp đưa ra các tuyên bố chỉ trích gay gắt Bắc Kinh, kêu gọi các đồng minh và đối tác chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Ở quê nhà, ông khẳng định với các cử tri của mình rằng nỗ lực kiềm chế Trung Quốc này vẫn sẽ tiếp tục nếu ông đắc cử. Và chỉ có ông, chứ không phải đối thủ Biden bạc nhược trước Bắc Kinh mới có thể vực dậy nền kinh tế lúc này.
“Trung Quốc sẽ sở hữu đất nước của chúng ta nếu Biden đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra”, ông Trump khẳng định.
Bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được đánh giá là đặc biệt nhất từ trước tới nay. Trên toàn nước Mỹ, có gần 87 triệu người yêu cầu được bỏ phiếu qua thư và số người tham gia bỏ phiếu sớm liên tục lập kỷ lục.
Bỏ phiếu qua thư không chỉ là nỗi lo sợ của mình ông Trump, mà còn cả với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Thời hạn cuối cùng tiếp nhận phiếu qua thư được kéo dài tới hết ngày 3/11 đặt ra thách thức đối với quy trình kiểm duyệt phiếu bầu. Tổng thống Trump nhiều lần phản đối cách thức bỏ phiếu này, tuyên bố hình thức này sẽ dẫn tới gian lận lớn nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.
“Với việc bỏ phiếu phổ thông qua thư, 2020 sẽ là năm bầu cử thiếu chính xác và nhiều gian lận nhất trong lịch sử. Đây sẽ là nỗi nhục lớn đối với nước Mỹ”, ông Trump cho biết hôm 30/7 trên Twitter.
Trước đó, ông Trump cho rằng, việc số phiếu bầu qua thư tăng lên sẽ gây tổn hại cho Đảng Cộng hòa, đồng thời yêu cầu cử tri Mỹ nên bỏ phiếu với căn cước công dân và thẻ cử tri.
Trái ngược với ông Trump, đảng Dân chủ lại khuyến khích bỏ phiếu qua thư khẳng định phương pháp bỏ phiếu này là đúng đắn, công bằng và cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.
Thế nhưng, ông Biden mới được xem là người có thể gặp bất lợi vì hình thức bầu cử này. Trên thực tế, hình thức bỏ phiếu này gây ra khá nhiều lo ngại cho chính đảng Dân chủ và ứng cử viên Joe Biden. Nguyên nhân là do các lá phiếu gửi qua đường bưu điện dễ bị thất lạc, sai sót, và có nhiều khả năng bị từ chối hơn.
Hơn nữa, phần lớn cử tri lựa chọn bỏ phiếu qua thư là đảng viên đảng Dân chủ, dẫn đến ứng cử viên đảng này có thể mất một lượng phiếu bầu quan trọng ở các bang thân cận. Cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có tới 47% cử tri ủng hộ ông Biden dự định bỏ phiếu qua đường bưu điện, trong khi chỉ 11% số người ủng hộ Tổng thống Trump có ý định này.
Bên cạnh đó, với những bất bình và lo ngại gian lận từ ông Trump, ông Biden và đảng Dân chủ lo ngại về khả năng Tổng thống Trump không công nhận kết quả bầu cử, đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng pháp lý hậu bầu cử.
Ngoài ra, ông Biden cũng cảnh báo Nga vẫn tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ, trong khi chính phủ Trung Quốc tiến hành các hoạt động “nhằm gieo rắc nghi ngờ trong quá trình bầu cử”.
Ông Biden coi sự can thiệp nước ngoài như “hành động thù địch, gây ảnh hưởng đáng kể lên mối quan hệ giữa Mỹ và chính phủ các nước can thiệp”, tuyên bố đáp trả quyết liệt trong trường hợp Nga và các nước khác can thiệp bầu cử Mỹ.
Video: Quy trình bầu cử ở Mỹ
- Các giai đoạn bầu cử
+ Giai đoạn bầu cử sơ bộ:
Đây là quá trình đảng viên của các đảng lựa chọn ứng cử viên ra tranh cử tổng thống. Các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 8 bằng Đại hội đại biểu toàn quốc của các đảng. Ứng cử viên độc lập hoặc của đảng thứ 3 (ngoài hai đảng lớn là Cộng hoà và Dân chủ) phải thu được chữ ký ủng hộ ra tranh cử của hàng trăm nghìn cử tri ở từng bang trong tất cả 50 bang của Mỹ mới được đưa vào danh sách ứng cử viên.
Sau khi quá trình chọn ứng cử viên hoàn tất, ứng cử viên được chọn sẽ bước vào chiến dịch quảng bá, vận động ở các bang. Ngoài ra, họ cũng thực hiện các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình để cử tri hiểu rõ quan điểm, năng lực của từng ứng cử viên.
+ Giai đoạn tổng tuyển cử:
Đây là giai đoạn bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống từ danh sách ứng cử viên. Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ không do công dân trực tiếp bầu ra, mà được bầu gián tiếp qua các đại cử tri (electors).
Mỹ không áp dụng hình thức tổng tuyển cử - tức người dân bầu trực tiếp tổng thống, mà họ dùng lá phiếu của họ (gọi là phiếu phổ thông) để chọn ra các “đại cử tri” trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành Tổng thống. Đây gọi là quy trình bầu cử tri đoàn.
Trong tổng số 50 bang của Mỹ, mỗi bang sẽ được phân bổ số đại cử tri dựa trên quy mô dân số, tương ứng số ghế trong Hạ viện (435 ghế) và Thượng viện (100 ghế). Quận Columbia không có đại diện tại Quốc hội nhưng được bầu 3 đại cử tri. Như vậy, tổng số đại cử tri tương ứng sẽ là 538. Để trở thành Tổng thống Mỹ, ứng cử viên phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri.
- Ngày bầu cử
Luật pháp Mỹ quy định, bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra 4 năm một lần, năm chẵn, vào ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Như vậy ngày bầu cử sớm nhất trong năm sẽ là ngày 2/11, muộn nhất ngày 8/11. Bầu cử năm nay sẽ diễn ra vào ngày 3/11.
Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày thứ Ba xuất phát từ việc trước đây cử tri Mỹ thường đi cả ngày đường để đến địa điểm bỏ phiếu, đồng thời để tránh cho ngày bầu cử rơi vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ tôn giáo, Quốc hội Mỹ chọn ngày thứ Ba để cử tri dành ngày thứ Hai để đi đến địa điểm bỏ phiếu và ngày thứ Tư để trở về.
- Quy trình xử lý phiếu bầu
Quy trình kiểm phiếu ở các bang của Mỹ cũng khác nhau và đôi khi khác nhau ở các hạt trong bang. Phần lớn các bang sẽ bắt đầu kiểm phiếu sớm nhất là từ buổi sáng Ngày Bầu cử, hoặc đợi tới sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa mới bắt đầu công việc này.
Năm nay, do đại dịch COVID-19, một số bang đã thay đổi quy định, cho phép quy trình xử lý diễn ra sớm hơn để có thể xử lý khối lượng lớn các lá phiếu vắng mặt trong mùa bầu cử năm nay.
Có 6 bang sẽ phải xác nhận kết quả bầu cử trong vòng 1 tuần kể từ Ngày Bầu cử, 26 bang và Washington D.C. có thời hạn chót là từ 10-30/11; 14 bang có thời hạn chót là tháng 12, và 4 bang không quy định về thời hạn chót trong luật của bang mình. Ngày cuối cùng để các bang giải quyết mọi tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử là ngày 8/12.
- Trường hợp không có ai đắc cử
Nếu không có ai đạt số phiếu đắc cử Tổng thống, Hạ viện Mỹ sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu tổng thống trong những người có số phiếu cao nhất.
Nếu không có ai đạt được đa số phiếu của tổng số đại cử tri để đắc cử Phó Tổng thống thì Thượng viện Mỹ sẽ chọn hai người có số phiếu cao nhất để bầu ra Phó Tổng thống. Số Thượng nghị sỹ cần thiết cho cuộc bầu này là không ít hơn 2/3 của tổng số Thượng nghị sỹ.
- Chuyển giao quyền lực
Khoảng giữa thời gian ngày bầu cử và ngày nhậm chức, Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ không thực hiện các nghi lễ ngoại giao chính thức mà chỉ tiếp tục các hoạt động đối nội liên quan đến chính sách.
Ngày chuyển giao quyền lực của vị Tổng thống Hoa Kỳ 44 Barack Obama cho vị Tổng thống Hoa kỳ 45 Donald Trump vào tháng 1/2017.
Ngay sau khi được bầu, Tổng thống Mỹ mới đắc cử sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ đương nhiệm tại Nhà Trắng, lập ủy ban điều hành chuyển giao quyền lực, chỉ định nhân viên Nhà Trắng, thành viên nội các, bắt đầu trao đổi và thảo luận với Quốc hội cũng như các thông tin bí mật mà Tổng thống được nắm giữ.
- Tuyên thệ nhậm chức
Đúng 12 giờ trưa ngày 20/01 (giờ Mỹ), gia đình cựu Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc bàn giao chính thức cho gia đình Tổng thống Mỹ mới đắc cử. Lễ tuyên thệ nhậm chức sẽ diễn ra trước Điện Capitol. Tại buổi lễ này, tân Tổng thống Mỹ sẽ nhận Biscuit-card chứa mật mã để kích hoạt lệnh tấn công hạt nhân.
- Các chiến dịch tranh cử của ứng viên
Đội ngũ triển khai chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên đóng vai trò quan trọng xuyên suốt cuộc bầu cử. Họ đảm nhiệm việc chuẩn bị cho đại hội đảng và các sự kiện vận động tranh cử.
Các sự kiện này được tổ chức bằng tiền do chiến dịch tranh cử gây quỹ, kêu gọi vốn qua nhiều hình thức. Chiến dịch của ông Biden chủ yếu gây quĩ trực tuyến, thường là qua ứng dụng Zoom, trong khi ông Trump tổ chức nhiều cuộc gây quỹ trực tiếp. Dù vậy, đảng Dân chủ vẫn kêu gọi được nhiều vốn hơn.
Tiền gây quỹ cũng được sử dụng để mua thông tin liên lạc trực tuyến của các nhà tài trợ tiềm năng và quảng cáo truyên truyền hình cùng nhiều kênh khác nhằm quảng bá hình ảnh ứng cử viên.
- Quốc hội Mỹ
Trong quá trình diễn ra chiến dịch tranh cử, Quốc hội có vai trò điều phối thông qua cuộc bầu cử thông qua các ủy ban. Chức trách làm luật, giám sát, và nội chính được phân chia cho khoảng 200 ủy ban và tiểu ban.
Quốc hội cũng giám sát việc thi hành pháp luật và việc đáp ứng nhu cầu của cử tri trong khu vực bầu cử. Khi có vấn đề trong bầu cử, Quốc hội có quyền điều tra, làm rõ và xử lý các vi phạm.
Vào năm 2002, Quốc hội đã thông qua đạo luật Giúp đỡ bỏ phiếu ở Mỹ (Help America Vote Act), nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc bầu cử năm 2000.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, ứng cử viên giành chiến thắng sẽ cần có sự công nhận của Quốc hội để chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Cơ quan này có quyền chứng nhận việc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống hoặc chọn Tổng thống và Phó Tổng thống trong trường hợp không có ứng viên nào giành được đa số phiếu bầu.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?