Sau ngày 3/11, dù kết quả là ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 hay Joe Biden trở thành tân Tổng thống, ưu tiên hàng đầu của chủ nhân Nhà Trắng cũng là chính sách đối với Trung Quốc. Chính sách này được đánh giá cao trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Tái thiết quan hệ với Mỹ
Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ trở lại đây, hậu quả sau sự can thiệp của Washington vào Afghanistan và Iraq không còn là thách thức đối ngoại lớn nhất của Mỹ. Bất kỳ ứng cử viên nào nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2021 sẽ phải đối mặt với trật tự thế giới đa cực mới, nơi Mỹ không còn là quốc gia siêu cường duy nhất.
Dù kết quả cuộc bầu cử Mỹ ra sao, Bắc Kinh cũng hy vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung. (Ảnh: AP)
Trung Quốc không chỉ chạy đua với Mỹ giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn mở rộng và tăng cường quân đội, đe dọa các lực lượng Mỹ và đồng minh của Mỹ tại một số điểm nóng. Trước tình hình này, các nhà quan sát cảnh báo khả năng xảy ra xung đột hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Các quan chức Trung Quốc không đánh giá cao việc vấn đề ngoại giao với nước này trở thành mối quan tâm hàng đầu trong cuộc tranh cử Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh mong muốn thiết lập lại quan hệ 2 nước dù kết quả bầu cử ra sao.
Mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng dưới thời ông Trump. Mỹ nhiều lần tăng thuế thương mại, trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong, đồng thời tăng cường viện trợ cho Đài Loan. Ông Trump cũng nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc về vấn đề xử lý đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa lãnh sự quán ở cả 2 nước.
Ryan Manuel, giám đốc điều hành tại công ty Official China và là chuyên gia nghiên cứu giới lãnh đạo Trung Quốc, cho biết quan hệ với Mỹ là "trách nhiệm cá nhân của (Chủ tịch) Tập Cận Bình và ông phải nhận chỉ trích trong nội bộ đất nước vì để tình hình xấu đi”.
“Hiện tại Trung Quốc được cho là sẽ chờ đợi, giữ nguyên tình hình và chỉ đáp trả chính xác các động thái của Mỹ”, ông Manuel nói thêm. "Việc thúc đẩy tái lập quan hệ 2 nước sẽ bắt đầu sau khi cuộc bầu cử kết thúc”.
Ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Washington, cho biết chính quyền Bắc Kinh "kiên quyết phản đối một cuộc 'Chiến tranh Lạnh' mới hoặc việc chia cắt (quan hệ 2 nước), và chúng tôi cam kết mang lại mối quan hệ phát triển lành mạnh và ổn định giữa Trung – Mỹ".
“Mối quan hệ Trung - Mỹ đang ở mức nghiêm trọng hiếm thấy trong 41 năm quan hệ ngoại giao”, ông Cui nhận xét. "Điều này gây tổn hại lớn tới lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc và Mỹ”.
Nhưng mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước không phải lỗi của riêng Mỹ, chính quyền Trump chỉ đẩy nhanh tốc độ rạn nứt. Một phần nguyên nhân là do chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng và chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc. Tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong cũng khiến thế giới có ấn tượng xấu với nước này.
Tiếp đó, đại dịch COVID-19 nổ ra gây ảnh hưởng đến vị thế của Trung Quốc trên thế giới do những sai sót ban đầu khi xử lý dịch bệnh ở Vũ Hán. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy quá trình "trẻ hóa quốc gia".
Bất chấp chiến tranh thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển và vượt qua khó khăn trong thời gian đình trệ vì dịch bệnh. Nền kinh tế nước này hồi phục tốt hơn cả các quốc gia lớn như Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Đặc biệt, cuộc sống ở Trung Quốc đã trở lại bình thường trong những tháng gần đây. Đó là minh chứng cho mô hình chính trị và quản lý kinh tế hiệu quả.
Về quân sự, dưới thời ông Tập Cận Bình, quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trở nên bành trướng hơn nhiều. Gần đây, quân đội nước này nhiều lần gây hấn tại các khu vực trên Biển Đông và dãy Himalaya, đồng thời đe dọa đồng minh của Mỹ là Đài Loan.
Không chỉ vậy, bất chấp cảnh cáo của Tổng thống Trump về việc bắt Trung Quốc phải trả “một cái giá lớn” vì gây ra đại dịch, nước này vẫn tuyên truyền chống Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc gọi đây là "Cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Mỹ và viện trợ Triều Tiên".
Jeff Moon, một nhà phân tích kiêm cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc cho biết: “Không có khả năng khôi phục quan hệ Mỹ - Trung như dưới thời ông Obama vì tinh thần bài trừ Trung Quốc đã trở nên gay gắt hơn nhiều tại Mỹ” .
"Sự hiếu chiến của Trung Quốc cũng đạt đến mức chưa từng có trong thời đại 'Ngoại giao chiến lang ", ông Moon bình luận thêm. "Ngoại giao chiến lang" là cụm từ chỉ đường lối ngoại giao cứng rắn và hiếu chiến được các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng vào thời ông Tập.
Nick Marro, chuyên gia phân tích về Trung Quốc thuộc Đơn vị tình báo kinh tế của Anh (EIU), cũng đồng ý rằng sự đổ vỡ trong quan hệ Mỹ - Trung là do cả 2 bên: “Trung Quốc cố gắng giữ cho các mối quan hệ không xấu đi, nhưng lại không cải thiện để mối quan hệ tốt đẹp hơn".
“Rất nhiều mâu thuẫn song phương nằm ngoài lĩnh vực thương mại, liên quan đến các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc coi tất cả những khu vực này là 'lằn ranh đỏ' của mình, chính việc truyền thông trong nước ngày càng mang tinh thần dân tộc đã bó buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc; bất kỳ sự lùi bước nào trong chính sách đều có thể bị coi là đầu hàng trước áp lực từ phương Tây”, ông Marro cho biết thêm.
Biden và Trump sẽ làm gì với Trung Quốc?
Hầu hết các nhà quan sát cho rằng nếu Joe Biden đắc cử, ông sẽ đưa ra chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc. Dù có thể ông cũng nghi ngờ nước này như Tổng thống Trump.
"Ông Biden sẽ tiếp tục dựa dẫm vào các cộng đồng liên cơ quan của Mỹ và các đồng minh truyền thống của nước này để cân nhắc và đưa ra quyết định về vấn đề Mỹ - Trung", nhà phân tích Jeff Moon nhận xét chủ trương của ông Biden có thể trái ngược với các chính sách thất thường của Tổng thống Trump.
Theo ông Moon, việc ông Biden đắc cử có thể giúp “ổn định mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ - Trung và tránh khả năng xảy ra hiểu lầm khiến xung đột leo thang”.
Nhưng ông Moon cũng cho rằng các vấn đề sâu sắc hơn giữa 2 nước có thể chưa giải quyết được: “Sau nhiều thập kỷ đối thoại và hợp tác Mỹ - Trung về các vấn đề song phương, Trung Quốc đã từ chối thay đổi và cải cách chính sách để giải quyết các mối quan ngại của Mỹ”.
"Do đó, chính sách thiết lập lại quan hệ của Trung Quốc là không thể chấp nhận được đối với Mỹ", ông Moon kết luận.
Chuyên gia Ryan Manuel cũng đồng ý rằng việc lập lại quan hệ 2 nước là "khó xảy ra", do chính quyền Bắc Kinh, và có thể là chính quyền Biden, có những mong muốn khác nhau.
Bất kỳ chính sách đối ngoại mềm mỏng nào với Trung Quốc như dưới thời Clinton cũng rất khó xảy ra. Cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington đều có thái độ thù địch với Bắc Kinh, các vấn đề ở Tân Cương và Biển Đông cũng góp phần làm tình hình nghiêm trọng hơn.
Gần đây, truyền thống nhà nước Trung Quốc nói rằng "việc thổi phồng 'mối đe dọa từ Trung Quốc' gần như là một 'âm mưu' cố định trong các cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ".
Trong khi Bắc Kinh phàn nàn về việc bị cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ công kích, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng sau khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc, Tổng thống Trump hoặc ông Biden có thể có thái độ nhẹ nhàng hơn với nước này.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019 .(Ảnh: The New York Times)
Trong khi đó, suốt nhiệm kỳ 4 năm của mình, Tổng thống Trump coi Trung Quốc là kẻ thù số một của Mỹ, và cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm cho nhiều vấn nạn trên thế giới. Nội bộ chính quyền Trump có sự chia rẽ giữa những người cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc phần lớn là về kinh tế và những người kịch liệt bài trừ Trung Quốc, dẫn đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Nhóm người muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc hy vọng vào sự thay đổi trong nhiệm kỳ thứ 2 của chính quyền Trump. Nhưng nhà phân tích Marro cảnh báo không nên giả định điều này có thể xảy ra: "Thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu được bảo đảm do những lo ngại của Tổng thống Trump về việc tái đắc cử của ông... thay vì tượng trưng cho bất kỳ thay đổi thực sự nào trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung".
"Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ không còn bị ràng buộc về chính trị trong nhiệm kỳ thứ 2. Ông ấy thậm chí có thể thực hiện những hành động cấp tiến hơn chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như các lệnh cấm đầu tư hoặc ngăn dòng chảy tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc phải trả giá - chưa kể đến việc gây ảnh hưởng tới bất kỳ sự phục hồi kinh tế toàn cầu nào trong năm tới", ông Marro nói.
Ở Trung Quốc tồn tại nhiều ý kiến chia rẽ về việc liệu Trump hay Biden đắc cử sẽ có lợi hơn cho nước này. Sau cùng, Bắc Kinh mong muốn một muốn quan hệ song phương ổn định hơn. Nhưng trong 4 năm qua, Mỹ - Trung đã rạn nứt quá nhiều đến mức những gì còn lại chỉ là một mối quan hệ tan vỡ.
Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?