Thông qua các ý kiến thảo luận có tính chuyên môn cao từ lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cùng các chuyên gia hàng không, kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp hàng không, lữ hành lớn trên toàn quốc…, cuộc toạ đàm sẽ tập trung phân tích kỹ lưỡng về những vấn đề, kiến nghị, giải pháp thực tế để kích thích hơn nữa đà hồi phục của hoạt động bay thường lệ quốc tế.
Đồng thời, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức dỡ bỏ hạn chế, mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế từ ngày 15/2.
Chương trình sẽ được phát trực tuyến trên fanpage chính thức của Bamboo Airways, Tập đoàn FLC và truyền tải trực tiếp trên báo điện tử Dân trí cùng nhiều cơ quan báo chí truyền thông uy tín trong cùng ngày.
Toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” sẽ diễn ra chiều 24/2 tại FLC Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Động lực mới, cơ hội mới
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, phủ hầu khắp dân số là điều kiện thuận lợi để nhiều quốc gia châu Âu, châu Á công bố kế hoạch mở cửa trở lại ngay lập tức hoặc theo từng bước.
Tại châu Âu, hàng loạt quốc gia như Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Đức… đang dần dỡ bỏ hầu hết các hạn chế để trở lại trạng thái bình thường mới. Tại Thụy Sĩ, từ ngày 17/2 không yêu cầu trình xác giấy nhận tiêm chủng/khỏi bệnh COVID-19/kết quả xét nghiệm âm tính đối với khách nhập cảnh.
Tại Đức - một trong số nước áp đặt những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu cũng đã ra thông báo sẽ “dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước”.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore cho biết sẽ tiếp tục đơn giản hóa các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 bao gồm việc khôi phục và tăng số lượng người nhập cảnh theo chương trình làn đi lại vaccine (VTL), không yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh với các hành khách từ các nước thuộc nhóm 1 hoặc theo diện VTL.
Indonesia đồng ý thiết lập tuyến di chuyển không cách ly cho những người Singapore đã tiêm chủng đầy đủ đến thăm các đảo Batam và Bintan vào ngày 24/1. Các chuyến bay quốc tế trực tiếp bắt đầu hạ cánh xuống đảo Bali của nước ngày từ ngày 4/2.
Thái Lan đã khởi động lại chương trình du lịch không cách ly từ ngày 01/2, dự kiến đón gần 300.000 khách du lịch đến nước này trong tháng 2. Còn Phillipines cũng đã mở cửa rộng rãi đón khách quốc tế từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm cả Việt Nam) mà không hạn chế điểm đến và không yêu cầu cách ly sau khi nhập cảnh từ ngày 10/2.
Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hạn chế đi lại và khôi phục các chuyến bay đón khách quốc tế.
Tại Việt Nam, sau 1 tháng rưỡi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế tính từ 1/1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam đạt 153.000 lượt khách. Tính riêng trong tháng 1/2022, số liệu này đã 100.000 lượt khách – tăng gấp đôi so với số lượng khách trung bình đi/đến Việt Nam trong một tháng ở thời điểm trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Hàng không đã sẵn sàng
Tại Việt Nam, ngày 15/3 đang được đề xuất là thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các chuyên gia, doanh nghiệp trên thị trường.
Việc ngành hàng không "đi trước một bước" với việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ 15/2 được đánh giá sẽ giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chuẩn bị kĩ lưỡng, Việt Nam có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.
Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam cho phép khôi phục mạng bay quốc như trước dịch, các hãng hàng không nội địa đã có kế hoạch khôi phục, tăng tần suất khai thác và khai trương các đường bay quốc tế mới từ tháng 2/2022, cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng, kĩ lưỡng của các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục toàn mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam.
Mở cửa sớm bay quốc tế, hàng không Việt đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.
Trước bối cảnh đó, tại Toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”, các đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ đi sâu phân tích về nhu cầu thị trường, tình hình thu hút khách, du lịch quốc tế sau 3 tháng Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, đánh giá những thành tựu mà toàn ngành hàng không và du lịch đã đạt được, cần kế thừa phát huy cũng các vấn đề còn nổi cộm và cần giải pháp triệt để.
Đồng thời, các khách mời sẽ tập trung trao đổi về bài học kinh nghiệm mở cửa hàng không, đón khách quốc tế nhìn từ kết quả các quốc gia trong khu vực, cũng như những lợi ích của một lộ trình mở cửa bay quốc tế sớm, hiệu quả và rõ ràng đối với toàn bộ nền kinh tế. Qua đó, đưa ra bài học cho hàng không Việt Nam để tận dụng triệt để các cơ hội phát triển trong thời kì mới với các nhu cầu và xu hướng mới của hành khách.
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, thông qua việc phân tích sự chuẩn bị nguồn lực cụ thể của các cơ quan liên quan, địa phương và doanh nghiệp, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp sẽ đưa ra ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể về các quy trình, phương án bay quốc tế mà cơ quan quản lý dự thảo, hướng tới lộ trình mở cửa an toàn và thuân lợi cho toàn ngành hàng không Việt Nam nói chung.