Hôm 19/3, những người tị nạn bắt đầu xếp hàng qua đêm tại Sân vận động Quốc gia Ba Lan ở Warsaw để nhận được thẻ công dân PESEL - cho phép họ làm việc, sinh sống, đi học và được hưởng chăm sóc y tế hoặc trợ cấp xã hội trong 18 tháng tới. Tuy nhiên, đến giữa buổi sáng, nhiều người phải quay về và được thông báo đến vào ngày khác do nhu cầu quá cao, mặc dù chính quyền Ba Lan đã đơn giản hóa quy trình.
Người tị nạn Ukraine xếp hàng chờ xin giấy tờ ở Ba Lan.
Kateryna Lohvyn, 30 tuổi, đang đứng cùng hàng với mẹ cô cho biết: “Chúng tôi đang tìm việc”. Cô nói phải mất một chút thời gian để hồi phục sau cú sốc của cuộc chiến ở Ukraine. “Chúng tôi chưa biết (phải làm gì) ... Nhưng chúng tôi rất biết ơn người Ba Lan. Họ chào đón chúng tôi một cách tuyệt vời”.
Maryna Liashuk, một người tị nạn khác cũng nói sự chào đón nồng nhiệt từ Ba Lan khiến cô cảm thấy như đang ở nhà. Nếu tình hình xấu đi, Liashuk muốn ở lại Ba Lan lâu dài cùng gia đình. “Nếu chiến tranh kết thúc và nếu có nơi nào đó để quay trở lại, chúng tôi sẽ làm vậy. Nếu không, chúng tôi sẽ ở lại đây”, Liashuk nói.
Cho đến nay, Ba Lan đã tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn từ Ukraine – chiếm phần lớn trong số hơn 3,3 triệu người rời đi kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, theo số liệu từ Liên hợp quốc. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người khác cũng đổ vào Hungary, Slovakia, Moldova và Romania.
Hầu hết những người tị nạn chạy khỏi Ukraine là phụ nữ và trẻ em, vì đàn ông từ 18 đến 60 tuổi bị cấm xuất cảnh và ở lại để chiến đấu.
Các nhà chức trách Ba Lan cho biết hơn 123.000 người tị nạn đã được cấp số định danh (ID) - trong đó có hơn 1.000 người mỗi ngày ở Warsaw - kể từ khi chương trình được triển khai hôm thứ Tư.
Svetlana từ Ukraine đến Ivano-Frankivsk, Ba Lan sống và làm việc hơn 10 năm. Hiện người thân của cô cũng đến Ba Lan. Cô cho biết nhận được ID Ba Lan sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho tất cả mọi người từ Ukraine.
Svetlana nói: “Điều này thực sự quan trọng, chúng tôi có thể chính thức tìm việc làm, cho con đi học và hoạt động tích cực ở đây”.
Theo quy định, người tị nạn tại Ba Lan có thể nhận trợ cấp một lần 300 zloty (70 USD) cho mỗi người và trợ cấp hàng tháng 500 zloty (117 USD) cho mỗi trẻ em dưới 18 tuổi. Những người tìm được việc làm sẽ phải đóng thuế giống như công nhân Ba Lan.
Pavlo Masechko, 17 tuổi đến từ Novovolynsk ở vùng Volyn, miền Tây Ukraine, đang cố gắng làm lại cuộc đời ở thành phố Rzeszow, Đông Nam Ba Lan. Trước cuộc chiến, Masechko đã có kế hoạch đến Ba Lan để học đại học, nhưng cậu hiện cho biết việc buộc phải rời khỏi nước mình do chiến tranh là một tình huống hoàn toàn khác.
Masechko theo học tại một trường địa phương ở Ba Lan. “Thật là căng thẳng khi phải rời khỏi đất nước của bạn trong thời điểm này, theo cách này”, cậu nói.
Giáo viên người Ukraine của Masechko đang tìm cách khôi phục lại các lớp học trực tuyến đã bị ngừng khi các cuộc tấn công nổ ra. “Khi mọi chuyện bắt đầu, tôi rất khó tập trung vào những việc khác. Nhưng thời gian trôi qua và bây giờ tình hình ổn định hơn, tâm trí tôi cũng đã ổn định hơn... Tôi bắt đầu tập trung trở lại vào những thứ khác trong cuộc sống của mình”, cậu nói.
Nhiều người tị nạn từ Ukraine đã chuyển đến các nước khác ở châu Âu, chủ yếu là để ở với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, một số người đã chọn trở về nhà.
Trong số đó có Viktoria, 41 tuổi. Hôm 19/3, cô cùng con gái Alisa chuẩn bị lên chuyến tàu trở về Zhitomyr ở miền Trung Ukraine.
Viktoria nói: “Trong năm ngày qua khá yên lặng. Chính quyền địa phương của chúng tôi rất tốt. Họ đã chuẩn bị mọi thứ ở đó để chúng tôi có thể trở lại làm việc, có cuộc sống bình thường và trẻ em có thể học trực tuyến”.