Câu hỏi:
Tuần sau tôi tổ chức đám cưới nhưng do bận công việc nên giờ tôi mới về quê làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, khi về quê làm thủ tục đăng ký kết hôn tôi mới biết cần phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của vợ. Tuy nhiên, quê vợ sắp cưới của tôi ở miền Trung nên khả năng chúng tôi không làm kịp các thủ tục.
Xin hỏi, nếu khi tổ chức đám cưới mà tôi và vợ sắp cưới chưa có giấy chứng nhận kết hôn thì có bị địa phương xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng tổ chức đám cưới không?
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Theo Luật sư Trần Công Tú - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý nhằm công nhận xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam và nữ khi kết hôn. Việc đăng ký kết hôn phải được thực hiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và pháp luật về hộ tịch.
Theo quy định của Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền đăng ký kết hôn do “UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện việc đăng kí kết hôn”. Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền của “UBND cấp huyện nơi thường trú của công dân Việt Nam”, quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014.
Do đó, việc đăng ký kết hôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giấy đăng ký kết hôn là một loại giấy tờ hộ tịch nhân thân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận người đó nằm trong trình trạng hôn nhân. Sau khi đăng ký kết hôn, sẽ phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ đối với người chồng và người vợ. Nếu như nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn sẽ khó khăn trong việc xác định tài sản chung và tài sản riêng, cũng như rất khó để chứng minh quyền lợi của mình.
Trường hợp bạn trình bày, khi tổ chức đám cưới mà bạn và vợ sắp cưới chưa có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì có bị địa phương xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng tổ chức đám cưới không?
Hiện nay, pháp luật không cấm trường hợp tổ chức đám cưới mà chưa đăng ký kết hôn, tuy nhiên pháp luật sẽ không thừa nhận, cũng như không có giá trị về mặt pháp lý, do đó nếu phát sinh vấn đề giữa vợ, chồng, sẽ không được điều chỉnh theo quy định pháp luật về quan hệ vợ chồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7, Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Như vậy, pháp luật vẫn thừa nhận và cho phép việc nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, bạn và vợ sắp cưới sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu bạn và vợ sắp cưới của bạn thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1, 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020. Cụ thể khoản 1, 2 Điều 59 quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Do đó, nếu bạn và vợ sắp cưới của bạn không thuộc vào trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 59 Nghị định 80/2020 thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính và đồng thời vẫn được tổ chức đám cưới (nếu việc tổ chức đám cưới không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương).