Theo Reuters, trách nhiệm của Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) trong việc để lọt các phần tử khủng bố và không phát hiện kịp thời kế hoạch tấn công vào trung tâm hòa nhạc Crocus là không nhỏ. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về các ưu tiên, nguồn lực và việc thu thập thông tin tình báo của cơ quan này.
FSB là "người kế nhiệm" của KGB - Ủy ban An ninh Quốc gia từ thời Liên Xô. Cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa, bảo vệ biên giới, chống khủng bố và điều tra các loại tội phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ quan này còn làm cả công tác phản gián, nhưng hoạt động độc lập với các cộng đồng tình báo khác của Nga.
Một trong những nhiệm vụ mới của FSB kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra là chống các nhóm đặc nhiệm phá hoạt từ Ukraine.
Vụ tấn công khủng bố ngày 22/3 đặt ra một yêu cầu mới đối với cơ quan an ninh Nga trước sự lớn mạnh của các nhóm khủng bố cực đoan. (Ảnh: Reuters)
Thách thức đối với FSB
Với các nhiệm vụ như trên, các cựu quan chức tình báo Mỹ và an ninh phương Tây cho rằng FSB có thể đã bỏ qua các mối đe dọa khác, bao gồm cả mối đe dọa do phiến quân Hồi giáo gây ra, chẳng hạn như ISIS-K - nhóm đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào trung tâm hòa nhạc Crocus.
Daniel Hoffman, cựu sĩ quan điều hành cấp cao của CIA và từng là chỉ huy tình báo của Mỹ ở Moskva nói với Reuters: “Bạn không thể làm mọi thứ”.
“Họ phải luôn đảm bảo an ninh cho cả một quốc gia rộng lớn và đôi khi không thể nhận ra thông tin tình báo cần thiết về một cuộc tấn công khủng bố tiềm ẩn. Điều này khiến FSB thất bại trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ sớm", ông Hoffman phân tích.
“Có thể họ đã quá căng thẳng trong việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine và đối phó với các vấn đề an ninh trong nước. Điều này đã tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố lọt qua kẽ hở”, cựu chỉ huy CIA nói thêm.
FSB cho biết vụ tấn công vào trung tâm hòa nhạc Crocus vào tối 22/3 được lên kế hoạch từ trước và các phần tử khủng bố đã giấu vũ khí một cách cẩn thận.
Ngày 25/3, trong một tuyên bố chính thức về vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói những phần tử Hồi giáo cực đoan đã thực hiện vụ tấn công, nhưng Moskva vẫn đang điều tra ai đứng sau ra lệnh thực hiện vụ tấn công này và cho biết có nhiều câu hỏi cần phía Ukraine trả lời.
Ông Putin cũng cho biết nhóm này đã cố gắng thực hiện một số vụ tấn công khác vào Pháp.
Khi được hỏi về vai trò của các cơ quan an ninh, tình báo Nga trong việc ngăn chặn vụ tấn công, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã hạn chế một phần thông tin tình báo liên quan đến các phần tử khủng bố.
“Thật không may, cả thế giới đều hiểu rằng không thành phố nào, không quốc gia nào có thể hoàn toàn an toàn trước các mối đe dọa khủng bố”, ông Peskov nói, đồng thời khẳng định các cơ quan tình báo Nga đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ nước này.
Vụ tấn công cũng làm rung chuyển thủ đô nước Nga mặc dù thành phố này thỉnh thoảng đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đến từ Ukraine.
Bốn trong số 11 nghi phạm bị giam giữ liên quan đến vụ tấn công đã bị buộc tội khủng bố và xuất hiện trước tòa sau khi bị thẩm vấn. Một số nhà lập pháp Nga kêu gọi áp dụng lại án tử hình đối với vụ tấn công này.
Bốn trong số 11 nghi phạm bị giam giữ liên quan đến vụ tấn công đã bị buộc tội khủng bố và xuất hiện trước tòa tại Moskva sau khi bị thẩm vấn. (Ảnh: AP)
Những cảnh báo từ Mỹ
Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công ở Moskva là thành viên IS như phương Tây khẳng định, tuy nhiên phía Nga cũng chưa tìm thấy mối liên hệ nào của nhóm này với Ukraine. Dù vậy trước cuộc tấn công, FSB đã được cảnh báo về các nguy cơ khủng bố đến từ Mỹ và một số nước phương Tây nhưng đã bị phớt lờ.
Các nhà phân tích an ninh cho biết cách thức hành động của nhóm khủng bố khi thực hiện vụ tấn công và trốn thoát là bằng chứng cho thấy chúng tìm hiểu kỹ về địa điểm trước đó và truyền thông Nga đã công bố đoạn phim CCTV về một trong những tay súng đến trung tâm hòa nhạc Crocus một ngày trước khi vụ việc diễn ra.
Trước đó, ngày 7/3, Đại sứ quán Mỹ tại Moskva đã đưa ra cảnh báo an ninh cho người Mỹ ở Nga khi cho biết có "những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch nhắm vào các cuộc tụ họp lớn ở Moskva, bao gồm cả các buổi hòa nhạc".
Ngày 19/3, ba ngày trước vụ tấn công, Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu trước các lãnh đạo FSB, trong đó ông bác bỏ điều mà ông cho là những cảnh báo "khiêu khích" của phương Tây về một hành động khủng bố.
“Tất cả những hành động này giống như hành động tống tiền trắng trợn và có ý định đe dọa và gây bất ổn cho xã hội Nga từ phương Tây”, ông Putin nói.
Nina Krushcheva, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại The New School ở New York, cho biết FSB dường như đã xác định được các phần tử IS ở Nga trong tầm ngắm của họ. Tuy nhiên ở thời điểm đó FSB khó thể tin tưởng vào những cảnh báo của Mỹ khi hai bên đang trong trạng thái đối đầu.
“Có rất nhiều sự hoài nghi và không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra các cảnh báo như vậy", bà Krushcheva nói thêm. Đồng thời cho rằng FSB nghi ngờ về một chiến dịch cờ giả của Mỹ nhằm che giấu hành động thực sự của nước này.
Phiến quân IS ở Nga
John Sipher, một quan chức CIA từng làm việc tại Nga, cho biết ông tin rằng FSB có thể đã bỏ lỡ cơ hội vì quá bận rộn tập trung vào các mối đe dọa chính trị và các mối đe dọa khác, ngay cả khi FSB từng phá nhiều ổ nhóm của IS ở miền nam nước Nga vào đầu tháng 3.
Ngày 2/3, lực lượng đặc biệt của FSB tiêu diệt ít nhất 6 tay súng mà họ xác định là thành viên của IS trong một cuộc truy quét ở miền nam nước này. Ba trong số những người này nằm trong danh sách truy nã liên bang và là hung thủ giết chết ba cảnh sát Nga trong năm 2023. FSB cũng tìm thấy một kho vũ khí lớn của nhóm này.
Vào ngày 7/3, FSB cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào giáo đường Do Thái ở Moskva do một nhóm Hồi giáo cực đoan âm mưu thực hiện và những kẻ tấn công đã bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng.
Riccardo Valle, một nhà nghiên cứu về các phong trào thánh chiến, cho rằng vụ việc ngày 2/3 lẽ ra đã khiến FSB đặt các lực lượng trong trạng thái sẵn sàng cao nhất.
"Tôi nghĩ việc lực lượng an ninh phát hiện ra rằng có một mạng lưới phiến quân IS ở Nga và có khả năng thu thập vũ khí, thậm chí chống trả lại lực lượng đặc biệt đã là một dấu hiệu cho sự phát triển lớn mạnh của nhóm này", Valle nói.
"Điều này đáng lẽ phải gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan an ninh Moskva", ông Valle nhấn mạnh.
Ông Valle cho biết, từ các tuyên bố và cuộc tấn công trước đây của ISIS-K, bao gồm cả vụ tấn công vào đại sứ quán Nga ở Kabul vào năm 2022, cũng rõ ràng rằng nhóm này đã nhắm Nga.