Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tin lời 'lang băm' chữa suy thận, nam thanh niên suýt chết

Thầy lang quảng cáo “thuốc của thầy chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là gì” khiến anh N. tin theo. 4 tháng sau, anh phải vào viện cấp cứu.

Bệnh nhân Đặng Văn N., 31 tuổi, ở Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết, cách đây 4 tháng, anh được bệnh viện huyện chẩn đoán suy thận độ 2. Bác sĩ đã tư vấn dùng thuốc nhưng anh không điều trị mà về nhà tự bốc thuốc của thầy lang uống.

Thầy lang quảng cáo: “Thuốc của thầy chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì!” nên anh N. tin theo. Sau 4 tháng uống thuốc, anh thấy mệt mỏi tăng dần, khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ chẩn đoán anh đã chuyển sang suy thận giai đoạn cuối (độ 4), phải chạy thận cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng do thận không lọc được chất độc trong máu.

 Nam bệnh nhân phải vào viện cấp cứu chạy thận cấp cứu do tin uống thuốc của thầy lang quảng cáo.

Hiện tại, anh N. đang nằm điều trị tại khoa Nội thận khớp. Sau đợt cấp cứu lần này, anh sẽ phải chuyển sang chạy thận chu kỳ, đều đặn tuần 3 buổi/tuần. Anh cảm thấy rất ân hận vì đã không nghe theo chỉ định của bác sĩ khiến bệnh nặng hơn.

Không riêng trường hợp anh N., bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D., 58 tuổi ở TP.Tuyên Quang, đang điều trị tiểu đường tại khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng bỏ ngang điều trị để bốc thuốc về đắp ngón chân.

Bác sĩ cho biết, khi ở viện, bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi và viêm mô tế bào ngón chân, chưa có loét, tuy nhiên sau 3-4 ngày đắp lá, chân bà D. sưng to, chảy dịch.

Quá đau đớn, bà D. quay lại bệnh viện khám, bác sĩ cho biết ngón chân khó bảo tồn, có thể phải tháo bỏ do đã hoại tử.

BS Lý Thị Thơ, Trưởng khoa Nội Thận khớp, kiêm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp lạm dụng và thiếu hiểu biết về sử dụng Đông dược. Trong đó, gần như tất cả các bệnh nhân suy thận phải chạy thận lọc máu đều có thời gian dùng thuốc lá kéo dài.

Theo BS Thơ, các loại thuốc lá, thuốc đắp do các thầy lang “kê” rất khó kiểm soát hoạt chất và liều lượng. Nếu thầy lang không có kiến thức, sử dụng liều lượng sai, hàm lượng sai, không có am hiểu về độc tính sẽ làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính.

Ngoài ra do không biết nguồn gốc thuốc ở đâu nên khó tránh trường hợp thuốc được sấy từ lưu huỳnh, hay lẫn các kim loại như lưu huỳnh, thủy ngân, arsen... khi uống sẽ gây ngộ độc tế bào, rối loạn chuyển hoá cấp độ tế bào.

Cá biệt, có không ít ông lang trộn thuốc tây cùng với thuốc Đông y để tăng hiệu quả điều trị dẫn tới quá liều cả hai, chưa kể các thuốc đông tây y phản ứng với nhau tạo ra chất độc cho người dùng.

Do đó, khi người bệnh muốn sử dụng thuốc đông y, nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền được đào tạo bài bản, nguồn gốc thuốc rõ ràng, chất lượng thuốc đảm bảo về màu sắc, thành phần, theo các bài thuốc gia giảm phù hợp.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới