Trao đổi với báo giới ngày 21/9, nhà khoa học Clorinda Arias Alvarez đến từ Viện Nghiên cứu y sinh thuộc UNAM, đã đặc biệt đề cập đến một nghiên cứu mới trên não bộ của 30 người đã từng sống và qua đời tại thủ đô Mexico City do Đại học Lancaster thực hiện.
Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện sự hiện diện của một loại quặng sắt magnetite vốn được thải vào không khí từ việc đốt cháy nhiên liệu.
Nhà nghiên cứu Alvarez cho rằng đây là một phát hiện quan trọng, bởi nó cho thấy các hạt phân tử nano của quặng sắt magnetite được tìm thấy trong não người là do khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.
Chúng được thải vào không khí và xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, từ đó góp phần gây ra bệnh - một dạng mất trí nhớ phổ biến - vì những protein độc hại phá hủy các tế bào não nhiều năm trước khi bệnh được phát hiện.
Bên cạnh yếu tố môi trường ô nhiễm, bà Alvarez cũng nhấn mạnh một trong những tác nhân khác dẫn đến bệnh Alzheimer là do chế độ ăn nhiều chất béo và đường song ít vận động.
Chuyên gia này khuyến cáo để phòng tránh căn bệnh này, người dân cần thực hiện ăn uống lành mạnh, tránh các chất béo và đường, và nếu có thể nên sinh sống trong môi trường không quá ô nhiễm.
Alzheimer là dạng mất trí nhớ phổ biến, hủy hoại não nhiều năm trước khi bệnh được phát hiện. Nhiều loại thuốc trị bệnh trước đây đã được thử nghiệm song không mang lại kết quả do vào lúc bệnh nhân được kê thuốc thì não của họ đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Căn bệnh này hiện tác động đến 44 triệu người trên toàn cầu và khiến thế giới thiệt hại 604 tỷ USD/năm theo thống kê năm 2010. Số người mắc bệnh Alzheimer được dự báo sẽ tăng gấp ba vào năm 2050.
Video: Điều dưỡng viên ngược đãi cụ bà mắc Alzheimer gây phẫn nộ