Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy

(VTC News) -

Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.

Dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá đây là hoạt động thiết thực, đề nghị Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổng hợp các ý kiến, phối hợp tham vấn, đề xuất đối với cơ quan chức năng về hoạch định chính sách, quản lý, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với công tác đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe lao động lĩnh vực thang máy, thang cuốn.

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề của ngành thang máy. (Ảnh minh hoạ).

Nhiều đại biểu cũng trao đổi về thực trạng đào tạo, tuyển dụng nhân lực của ngành. Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nêu thực trạng năng suất lao động của nước ta so với khối ASEAN còn thấp. Muốn tăng năng suất lao động cần tạo nên hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề, bao gồm 6 trụ cột: Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; Chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia; Học tập suốt đời; Hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tuyển dụng và sử dụng dựa vào kỹ năng nghề; Nguồn tài chính.

Trong đó, chuẩn hóa kỹ năng nghề quốc gia là việc cấp thiết đối với ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này hiện còn đang bị “bỏ ngỏ”.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành thang máy cần đánh giá đúng nhu cầu nhân lực, từ đó gắn kết đào tạo với thực tiễn để đạt hiệu quả. Khung chương trình đào tạo cần phải được chuẩn hóa, tiệm cận chương trình đào tạo quốc tế. Xây dựng hệ thống giáo dục 4.0, đào tạo đi tắt đón đầu để nắm bắt cơ hội, tạo ra nhân lực chất lượng, phục vụ không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.

TS Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA), nói, đơn vị này sẵn sàng phối hợp cơ quan quản lý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp chuẩn hóa chương trình và tham gia công tác đào tạo về kỹ thuật thang máy. Đây là tiền đề quan trọng để giải quyết “cơn khát” nhân lực có trình độ trong việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy.

TS Hạnh cho rằng, chiến lược đào tạo này không chỉ đáp ứng nhu cầu cung ứng nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động trong nước, mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.

Anh Văn

Tin mới