Theo Bloomberg, một bé gái 12 tuổi sống tại London kiện TikTok, ứng dụng quay video ngắn nổi tiếng thế giới, với lý do vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của EU.
Để vụ kiện diễn ra suôn sẻ, một thẩm phán cho phép cô bé được giấu tên. Bà Anne Longfield, Ủy viên Trẻ em của Anh sẽ là người đại diện bé gái làm các thủ tục pháp lý.
Theo bà Longfield, việc tòa án giấu tên cô bé rất quan trọng. Nếu danh tính bị tiết lộ, cô bé 12 tuổi này có thể trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt trực tuyến bởi những đứa trẻ khác hoặc người dùng TikTok. Bên cạnh đó, không ngoại trừ khả năng bé gái sẽ phải đối mặt với những phản ứng tiêu cực hoặc thù địch từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Ứng dụng TikTok đã dính vào nhiều bê bối trong năm 2020. (Ảnh: Telegraph)
Theo thẩm phán Mark Warby, dù đúng hay sai, cô bé ý thức được việc đem trường hợp của mình ra tòa án để khẳng định quyền riêng tư cá nhân của bản thân và nhiều người khác. Ông Warby cũng tin rằng, nếu không được giấu tên, trẻ em sẽ khó có thể bảo vệ quyền riêng tư của chúng.
Ở châu Âu, hành vi thu thập dữ liệu cá nhân trẻ em của TikTok đang được các cơ quan quản lý EU giám sát chặt chẽ. Những người đứng đầu bộ phận Bảo vệ Dữ liệu vào tháng 6/2020 thành lập một lực lượng phối hợp điều tra quá trình hoạt động của TikTok.
“Quyền riêng tư và an toàn là ưu tiên hàng đầu của TikTok, chúng tôi có các chính sách, quy trình và công nghệ mạnh mẽ để bảo vệ tất cả người dùng, bao gồm cả người dùng trẻ tuổi", ứng dụng quay video tuyên bố.
Công ty mẹ của TikTok là Byte Dance, có trụ sở tại Trung Quốc. Năm 2020, do nghi ngờ Byte Dance thu thập dữ liệu người dùng bất hợp pháp và gửi cho chính phủ Trung Quốc, giới chức Mỹ nhiều lần ban hành các chính sách trừng phạt TikTok. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra các bằng chứng cụ thể.
Tính đến quý cuối cùng của năm 2020, TikTok có hơn 2 tỷ lượt tải về trên App Store và Play Store, đồng thời có hơn 800 triệu người dùng đang hoạt động.