Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiết lộ về bữa tiệc định mệnh khiến bar Buddha thành ổ dịch COVID-19

Sau khi phục vụ tiệc "Patrick day" ở bar Buddha, nhân viên Thành khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng do lây COVID-19 từ phi công người Anh, rồi lây cho chị gái.

"Patrick day" - buổi tiệc ở Buddha Bar & Grill khiến gia đình Nguyễn Nhật Thành, nhân viên quán, rơi vào khủng hoảng khi anh nhiễm nCoV rồi lây cho chị.

Chiều 14/3, Thành chạy xe máy hơn 15 km từ nhà ở quận Tân Phú đến quán Buddha Bar & Grill, số 7 Thảo Điền, quận 2, như thường lệ suốt hai năm qua. Ca tối của anh bắt đầu lúc 21h, song hôm nay quán tổ chức lễ hội quan trọng dành cho khách nước ngoài nên phải đến sớm chuẩn bị.

Thành để ổ bánh mì, bữa tối của mình, lên bàn rồi bắt tay vào công việc tại quầy pha chế. Các đồng nghiệp của anh hì hục khiêng bàn bida dời sang chỗ khác để nhường không gian rộng hơn 30 m2 cho bữa tiệc. Ở góc quán, bốn thành viên nhóm nhạc nước ngoài tập dượt những bản nhạc pop punk pha hiphop.

Buddha Bar & Grill đăng ký kinh doanh nhà hàng, rộng chừng 60 m2, có không gian mở. Một phần quán dành cho khách VIP, phần cho khách uống rượu, ăn tối, còn lại là khu giải trí với nhiều trò tiêu khiển như game, bida, phóng phi tiêu... Khác với các quán xung quanh, Buddha Bar & Grill thu hút nhiều khách Tây, phục vụ từ tối hôm trước đến gần sáng hôm sau.

"Patrick day" là lễ hội truyền thống phương Tây. Khách dự tiệc mặc đồ xanh lá, vẽ quốc kỳ nước mình lên mặt. 21h, khách chật quán, khoảng 300 người, sảnh chính và các khu vực không còn chỗ trống. Họ đi từng nhóm, uống rượu, ôm nhau nhảy, ca hát, trò chuyện cả đêm.

Thành và các nhân viên phục vụ không ngơi tay. Toàn bộ máy lạnh của quán để chế độ mạnh nhất, song áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Thành nhiều lần bưng nước uống, thức ăn, nói chuyện với nhóm của thầy giáo dạy tiếng Anh, 27 tuổi, quốc tịch Canada. Trong đó có phi công người Anh, 43 tuổi.

Đến gần 4h sáng 15/3, tiệc tàn, Thành về. Một đêm phục vụ mệt nhoài nhưng anh vui vì tiền "típ" nhiều hơn ngày thường. Cộng cả tiền chủ quán cho, chia ra mỗi nhân viên được thưởng chừng 300.000 đồng.

Thành định xin chủ quán cho tạm nghỉ, chờ qua dịch làm lại. Chưa kịp thực hiện, hai ngày sau anh sốt hơn 38 độ C. Nghĩ là cảm thường, anh đến phòng khám tư gần nhà chữa trị.

"Đến ngày 19/3, thông tin phi công người Anh (bệnh nhân 91) từng đến buổi tiệc Patrick day lan truyền trên mạng, tôi và 10 nhân viên quán như ngồi trên đống lửa", Thành kể.

Cơ quan chức năng trích xuất hệ thống camera tìm kiếm hành trình di chuyển của ông này, song thất bại vì đêm đó khách quá đông, camera không phủ hết quán, ánh sáng yếu. Ông này cũng không phải khách quen nên không ai nhớ mặt.

Tuy nhiên, đoạn ghi hình chiều 17/3 cho thấy nam phi công to cao, mặc áo thun xám đến quán ăn tối với một người bạn. "Tôi không nhớ nổi từng tiếp xúc với ông ta", Thành nói.

Phi công người Anh (thứ 3 từ phải qua) đang đọc thực đơn quán Buddha Bar & Grill chiều 17/3, một ngày trước khi được xác định dương tính nCoV. (Ảnh: Trích từ camera của quán)

 

Lo mình có thể nhiễm bệnh, Thành gọi điện cho Trung tâm Y tế quận Tân Phú, sau đó được đưa đi cách ly tập trung. Nhà của Thành được phun khử khuẩn. Nhiều hộ dân xung quanh được lấy mẫu xét nghiệm, yêu cầu hạn chế ra ngoài. Phòng khám tư và nhà thuốc Thành đến khám cũng bị phong tỏa, cách ly.

Ngày 23/3, Thành có kết quả xét nghiệm dương tín nCoV, trở thành "bệnh nhân 127". 13h, xe cứu thương đến khu cách ly quận Tân Phú đưa anh về Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Thành được mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, mỗi bước đi đều được nhân viên y tế phun khử trùng.

"Cảm giác lúc đó thật khủng khiếp. Vừa sợ cho mình, tôi vừa lo đã lây nhiễm cho người thân, bạn bè", anh kể. Bởi Thành sống cùng chị gái Nguyễn Vi Kim (27 tuổi), sau đêm phục vụ tiệc anh còn tổ chức sinh nhật với 10 người bạn, về thăm cha mẹ ở quận Tân Bình. Tất cả bị cách ly sau đó.

Ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, mỗi sáng Thành được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bằng cách quét họng, mũi. Sau mười ngày điều trị, anh có kết quả xét nghiệm âm tính lần một. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, kết quả lần hai của anh dương tính.

"Tôi hoang mang tột độ, không dám nhắn tin cho ai sợ mọi người buồn", Thành cho biết. Phải qua 4 lần có xét nghiệm âm tính, anh được xuất viện hôm 14/4, sau 21 ngày điều trị.

Buddha Bar & Grill hiện bị đóng cửa. (Ảnh:Quỳnh Trần)

 

Tại khu cách ly, 22h ngày 24/3, chị Kim nhận điện thoại của nhân viên y tế, hỏi địa chỉ những người từng tiếp xúc. "Linh tính điều chẳng lành, tôi hỏi, rồi chết lặng khi nghe thông báo đã nhiễm nCoV", chị kể.  

Những ngày điều trị ở Cần Giờ, Kim rất lo, thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh. Càng đọc, cô càng sợ, nhất là những lúc có cơn ho kéo dài, phải truyền thuốc hai lần mỗi ngày. Sau 17 ngày chữa trị, cô được xuất viện hôm 8/4. Cha mẹ cô và những người khác cũng được cho về nhà sau khi hết hạn cách ly.

Sau biến cố đến với gia đình, chị em Kim thấy mình may mắn khi không khiến thêm ai bị lây nhiễm. Hiện, họ phải tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Hàng ngày nhân viên y tế vẫn đến đo khám, theo dõi sức khỏe. "Điều đầu tiên khi hết cách ly tôi và em trai sẽ sang thăm cha mẹ", Kim nói.

Buddha Bar & Grill là ổ dịch lớn nhất TP HCM với chuỗi lây nhiễm lên đến 19 bệnh nhân. Trong đó, 13 người trực tiếp đến quán và 6 người tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV. Gần 4.500 người tiếp xúc người liên quan phải theo dõi. 255 người (khách và nhân viên) được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly.  

Để dập tắt ổ dịch này, ngành y tế TP HCM huy động 150 bác sĩ và nhân viên y tế; gần 200 công an, bộ đội... làm việc suốt ngày đêm. Hiện, phi công người Anh là ca bệnh nặng nhất tại Việt Nam, ngành y tế phải thường xuyên theo dõi, can thiệp.

Tính đến tối 16/4, TP HCM ghi nhận 55 ca nhiễm nCoV, chỉ còn 9 trường hợp đang điều trị. 

Nguồn: VnExpress

Tin mới