Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiêm filler có an toàn?

(VTC News) -

Tiêm filler là giải pháp làm đẹp cần được thực hiện tại cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc của loại filler, botox đưa vào cơ thể.

Filler là tên tiếng Anh của một chất còn có tên gọi khác là chất làm đầy. Trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, filler thường được ứng dụng để làm mờ hay xóa bỏ đi các nếp nhăn trên khuôn mặt.

Tiêm filler là gì?

Tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là thủ thuật tiêm đưa hợp chất có tác dụng làm đầy đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy trên khuôn mặt, đồng thời giảm dần các dấu hiệu lão hóa theo thời gian.

Tiêm filler có an toàn không?

Nhìn chung, phần lớn các loại filler đặc biệt là filler có chứa Axit hyaluronic có thể hấp thụ tự nhiên vào cơ thể. Đồng thời, đây cũng là một phương pháp xâm lấn tương đối hạn chế, nên những tác hại từ việc tiêm filler gây ra thường không quá nguy hiểm.

Mặc dù vậy, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler được quảng cáo là có hiệu quả kéo dài rất nhiều năm và đôi khi là vĩnh viễn. Các bác sĩ thẩm mỹ khuyến cáo khách hàng của mình không nên lựa chọn những loại filler này vì có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ và việc điều trị hậu quả cũng rất phức tạp.

Bên cạnh đó, các cơ sở thẩm mỹ “chui” hiện nay mọc lên như nấm kéo theo việc sử dụng nhiều loại filler giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và đặc biệt là được tiêm vào cơ thể khách hàng thông qua những nhân viên y tế không có tay nghề, không có chứng chỉ thẩm mỹ nào. Việc tiêm filler vì thế có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm không lường trước được.

Về mặt khách quan, một số người có cơ địa nhạy cảm, dễ phản ứng với những yếu tố từ bên ngoài đưa vào cơ thể hoặc đang có một số bệnh lý trong cơ thể, cũng dễ gặp phải những tác dụng phụ từ chất làm đầy.

Một số đối tượng không nên tiêm filler

Các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo người đang bị viêm vì bất kỳ lý do gì như mày đay, phát ban, mụn bọc..., người dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong filler, người có tiền sử dị ứng với các thuốc kháng sinh, kháng viêm và các loại dược phẩm khác không nên tiêm filler.

Ngoài ra, những người bị rối loạn đông cầm máu, bệnh nhân có những bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường..., phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, người dưới 18 tuổi và người có cơ địa của da dễ để lại sẹo lồi cũng nên tránh xa phương pháp làm đẹp này.

Người tiêm filler có thể gặp phải các tác dụng phụ như: Nhiễm trùng vùng tiêm, rò rỉ filler ở tại vị trí tiêm, xuất hiện khối u nhỏ, các nốt sần xung quanh vị trí tiêm, tắc mạch máu, mờ mặt hoặc thập chí là mù mắt do tiêm filler vào các động mạch truyền máu cho mặt làm ngăn chặn lưu lượng máu nuôi mắt, hoại tử da...

Ngọc Thanh

Tin mới