Ngày 19/11, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Cử tri Nguyễn Quang Nga (phường Tân Chính, Thanh Khê) cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai là mong muốn của nhân dân vì đã tồn tại bất cập quá lâu. Cử tri Nga kiến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa việc thảo luận, ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai.
Cử tri Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh tình trạng thiếu thuốc men, thiếu máy móc và trang thiết bị y tế, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn thành phố cũng như cả nước trong thời gian qua.
Trả lời cử tri Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới phải có chất lượng, khoa học, khả thi, khắc phục sự chồng chéo và xung đột giữa các bộ luật. Đây là nhu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là không để xảy ra việc cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
“Tham nhũng chính sách rất ghê gớm. Đôi khi tham nhũng tiền, dự án, miếng đất thì nó còn hữu hình, định giá được. Nhưng khi làm pháp luật, những lợi ích nhóm cài cắm và những người làm luật kết hợp với nhóm lợi ích tự khoét một lỗ hổng để chui qua thì hậu quả rất là lớn. Hiện nay, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói.
Ông Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực trong quá trình soạn thảo luật, sự giám sát của cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng luật. Khi có sai phạm, cần truy trách nhiệm cả cơ quan trình, cơ quan thẩm định và cơ quan thông qua luật.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trả lời ý kiến cử tri Đà Nẵng
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được chỉ đạo rất quyết liệt, đi vào chiều sâu, kết hợp phòng chống tiêu cực với chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên.
“Đặc biệt, cuối năm 2021, trong năm 2022, chúng ta làm được điều đó. Bên cạnh việc xử lý về mặt Đảng, xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với cán bộ đảng viên sai phạm thì đã kịp thời chấn chỉnh, thay thế cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế”, Thường trực Ban Bí thư nói.