Mỹ đã công bố áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga nếu Moskva leo thang xung đột ở Ukraine, trong đó có các biện pháp như ngăn tổ chức tài chính và công ty Nga tiếp cận các giao dịch bằng đồng USD, cũng như thị trường thương mại, xuất khẩu năng lượng và tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh chưa từng cố gắng loại bỏ một nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD trước đây. Lần này, cũng chưa rõ các biện pháp trừng phạt tổng hợp của phương Tây có thể gây áp lực lên Moskva bao nhiêu.
Theo dữ liệu thương mại của Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc, từ khi các lệnh trừng phạt cũ được Mỹ áp dụng vào năm 2014 (khi Nga sáp nhập Crimea), Trung Quốc đã nổi lên như nhà nhập khẩu lớn nhất của Nga. Theo ông Harry Broadman, từng là đàm phán viên thương mại Mỹ và quan chức Ngân hàng thế giới, các lệnh trừng phạt bổ sung tiếp theo có thể khiến Moskva cố gắng đẩy mạnh mối quan hệ thương mại phi-USD với Bắc Kinh, trong nỗ lực tránh những tác động tiêu cực.
(Ảnh minh họa)
Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu sang Nga. Điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, đồ chơi, đồ dệt may, quần áo và các bộ phận điện tử nằm trong số các danh mục chính. Tỷ trọng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đã tăng kể từ năm 2014, trong khi tỷ trọng của Đức giảm rõ rệt. Xuất khẩu của Ukraine sang Trung Quốc giảm đáng kể trong thập kỷ qua, trong khi các lô hàng của Belarus ít thay đổi.
Theo lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hôm 21/2, bất kỳ tổ chức nào trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Nga cũng sẽ là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt bổ sung. Nhà Trắng lưu ý rằng hơn 80% giao dịch ngoại hối hàng ngày của Nga và một nửa hoạt động thương mại nước này được thực hiện với đồng USD.
Ông Biden, khi công bố một loạt các biện pháp trừng phạt Nga hôm 22/2, cho biết ông sẽ "hành động mạnh mẽ để đảm bảo rằng tác động các lệnh trừng phạt là nhằm vào nền kinh tế Nga, chứ không phải của chúng ta".
Tuy nhiên, thực hiện điều này có thể không dễ dàng.
Nga nằm trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đồng, nhôm, palađi và các mặt hàng quan trọng khác hàng đầu thế giới. Giá dầu hôm 22/2 đạt mức cao mới chưa từng thấy kể từ năm 2014.
Hơn nữa, một đánh giá về dữ liệu thương mại của Nga trong cơ sở dữ liệu Ngân hàng Thế giới cho thấy sự liên hệ của Nga với thương mại toàn cầu đã giảm trong 20 năm qua. Nga chiếm 1,9% thương mại toàn cầu vào năm 2020, giảm so với 2,8% năm 2013, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. GDP năm 2020 của nước này xếp thứ 11 trên toàn cầu, giữa Brazil và Hàn Quốc.