Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thuốc kháng virus chữa COVID-19 rao bán tràn lan, chuyên gia khuyến cáo gì?

(VTC News) -

Hiện ở TP.HCM, không khó để bắt gặp những tin đăng, bài viết rao bán thuốc kháng virus chữa COVID-19 trái phép trên mạng với giá hàng chục triệu đồng.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, thuốc Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị COVID-19 tại thành phố và không được bán trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng rất nhiều người rao bán trái phép thuốc Molnupiravir, “mạo danh” Molnupiravir với tên gọi khác đi là Monuvir hay Favipiravir với giá vài triệu đến hơn 10 triệu đồng/hộp, thậm chí lên tới 16 triệu đồng/hộp.

Rao bán tràn lan, giá trên trời

Không khó để tìm thấy các bài đăng, tin rao bán thuốc kháng virus, thuốc chữa COVID-19 trên các hội nhóm Facebook.

Theo khảo sát của PV VTC News, các loại thuốc kháng virus đang rao bán khá đa dạng, tràn lan trên mạng với các mức giá khác nhau.

Đắt nhất là Molnupiravir loại 400mg (20 viên) giá từ 14 - 16 triệu đồng; Molnupiravir loại 200mg (lọ 40 viên) từ 8,5 - 10 triệu đồng; Favipiravir từ 4 - 8 triệu đồng.

Một bài đăng rao bán thuốc Molnupiravir trên Facebook. 

Anh Nguyễn Xuân Thu làm lao động tự do (ngụ quận 7, TP.HCM) phát hiện mình mắc COVID-19 từ ngày 17/11. Do không có triệu chứng nên anh Thu được cách ly tại nhà và không cần sử dụng gói thuốc C (gói thuốc điều trị COVID-19 có thuốc Molnupiravir).

Tuy nhiên do tâm lý lo sợ, anh Thu đã tìm hiểu thuốc kháng virus trên mạng, thấy rao bán thuốc trên Facebook và anh hỏi mua, người bán gửi cho anh hình ảnh kèm giá bán 8,5 triệu đồng/hộp 40 viên.

“Khi tôi hỏi sao giá thuốc cao quá vậy, người bán nói là thuốc nhập từ Ấn Độ về nên đắt, chứ ở Việt Nam không có. Người bán cam đoan thuốc tốt, còn khuyên tôi uống 20 viên trong 5 ngày là hết sạch virus trong người là khỏi bệnh”, anh Thu cho biết.

Hình ảnh thuốc Molnupiravir anh Thu được người bán cung cấp. 

Chị Ngân (ngụ quận 4, TP.HCM) cũng cho biết, chị đã tìm mua thuốc chữa COVID-19 trên mạng hồi tháng 11 khi chồng chị mắc COVID-19. Chồng chị Ngân cũng tự điều trị tại nhà, không cần gói thuốc C (gói thuốc có thuốc Molnupiravir) nhưng chị vẫn tìm mua để dự phòng.

Theo chị Ngân chia sẻ, chị hỏi mua từ nhiều người bán, thuốc có giá từ 8 - 16 triệu đồng/hộp tùy loại.

“Tôi nghe nói thuốc này hiệu quả lắm, nhanh hết virus nên tìm mua dự phòng, mà người bán nói 14 triệu đồng cho hộp 20 viên loại 400mg. Đắt quá tôi đâu có mua, mà người bán nhắn tin, gọi nói thuốc tốt, uống là hết virus liền. Chồng tôi âm tính rồi mà giờ nghĩ lại thấy mình dại quá, suýt nữa mất oan tiền, mười mấy triệu”, chị Ngân nói.

Thực tế chỉ cần gõ từ khóa “Molnupiravir” hay “ thuốc chữa COVID-19” là sẽ ra hàng loạt tin đăng rao bán thuốc với giá trên trời. Không chỉ vài hộp mà các bài đăng còn quảng cáo có số lượng sỉ để bán cho khách hàng.

Một tài khoản H.T. đăng bán thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir và Favipiravir mà có sẵn số lượng sỉ, nhà sản xuất “Azista India”. Trong vai người mua thuốc, khi phóng viên hỏi, H.T. cho biết mình có nguồn hàng nhập từ nước ngoài, cam đoan thuốc thật và nói thuốc Molnupiravir 200mg, mỗi hộp 40 viên đang bán với giá 8,5 triệu đồng.

Tin đăng rao bán thuốc Molnupiravir của H.T. 

Tương tự một tài khoản khác là T. Đ. rao báo thuốc Molnupiravir, Favipiravir cùng các loại thuốc chữa COVID-19 khác với số lượng sỉ trên Facebook. Khi được hỏi, T. Đ. cho biết mình nhập thuốc từ Ấn Độ, giá 7,8 triệu đồng/hộp Favipiravir 400mg 100 viên. Người này còn khẳng định thuốc tốt, một hộp dùng cho 10 người nên mới có giá đó.

“Nếu 1 người thì dùng hộp Favipiravir 400mg gồm 17 viên với giá 3,5 triệu đồng/hộp”, T.Đ. cho biết.

Một hộp thuốc Favipiravir 100 viên T. Đ. bán 7,8 triệu đồng. 

Bác sĩ khuyến cáo gì?

Thuốc kháng virus Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào thí điểm điều trị F0 tại TP.HCM từ 16/8. Sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng, thuốc được cấp phát diện rộng, miễn phí và có kiểm soát đặc biệt cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc sử dụng không hết phải trả lại cho đơn vị cấp phát, Sở Y tế kiểm soát.

Theo Bộ Y tế, kết quả thử nghiệm Molnupiravir ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir trong điều trị COVID-19) cho biết, hiện các loại thuốc kháng virus đều ở dạng thử nghiệm, phải được cấp phép của Bộ Y tế và có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Những người tham gia thử nghiệm thuốc đều phải ký cam kết và tuân thủ các quy định của thử nghiệm. Nguồn cung cấp thuốc chính thức duy nhất ở Việt Nam chỉ có Bộ Y tế.

"Người dân không nên sử dụng thuốc kháng virus bán trôi nổi trên thị trường vì đây là các nguồn không chính thống, khả năng bị làm giả rất cao. Nếu người bệnh uống phải thuốc giả, vừa không chữa được bệnh vừa có thể uống phải các hoạt chất có hại, gây hậu quả không thể hình dung hết được", BS Thanh nói.

Theo BS Thanh, thuốc kháng virus chính thống dù có độ an toàn cao, nhưng vẫn có một số tác dụng phụ. Đặc biệt, những người thuộc nhóm chống chỉ định (phụ nữ có thai, người dưới 18 tuổi, hoặc trên 65 tuổi...) không nên tự ý mua thuốc về sử dụng bởi đến nay chưa có thử nghiệm nào đánh giá tác dụng phụ lâu dài của thuốc, cũng như nghiên cứu nguy cơ gây ra dị dạng bào thai, hay cơ thể trẻ em, người trên 65 tuổi có chịu đựng được tác dụng của thuốc hay không.

Trước tình trạng thuốc chữa COVD-19, thuốc kháng virus được rao bán trái phép, tràn lan và để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong thử nghiệm, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, ngày 7/12, Bộ Y tế đề nghị TP.HCM khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir; xử lý các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, đưa lậu thuốc ra thị trường. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, Sở Y tế chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh việc đăng tải thông tin liên quan đến mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng và thuốc không có nguồn gốc.

MAI THÚY

Tin mới