Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thực thi 'mật lệnh' giải phóng Trường Sa - chuyện bây giờ mới kể

Mật lệnh Tướng Giáp không chỉ giúp việc giải phóng Trường Sa thần tốc mà còn ngăn chặn mưu đồ chiếm đóng Trường Sa trái phép của nước ngoài kịp thời.

Mật lệnh Tướng Giáp không chỉ giúp việc giải phóng Trường Sa thần tốc mà còn ngăn chặn mưu đồ chiếm đóng Trường Sa trái phép của nước ngoài kịp thời.

Ông Ngật và những bức hình lưu niệm

Chỉ lệnh thần tốc giải phóng


Những ngày tháng tư, Đại tá Nguyễn Đình Ngật (83 tuổi, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng), nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu V (QKV) lật giở trang lịch sử hào hùng chiến dịch giải phóng Trường Sa. 


Đầu tháng 4/1975, ông Ngật lúc ấy là Thiếu tá, Phó phòng Tổ chức Cục Chính trị (QKV) dưới quyền Tư lệnh Chu Huy Mân. 17h30 ngày 4/4/1975, bức “mệnh lệnh” số 990B/TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏa tốc chuyển Chính ủy QKV Võ Chí Công và Tư lệnh QKV Chu Huy Mân với nội dung “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”.


Chỉ lệnh của Tướng Giáp nhanh chóng được triển khai. Chưa đầy tuần lễ, hàng loạt mũi tiến công “hội quân” tại bờ biển Đà Nẵng. Đêm 10/4/1975, toàn lực lượng phiên hiệu Đoàn C75 giải phóng Trường Sa do Lữ đoàn trưởng đặc công nước Mai Năng làm chỉ huy trưởng. Trung tá Nguyễn Thanh Thí (Trung đoàn trưởng 38), Thiếu tá Trần Dược, Phó chính ủy Trung đoàn 38 (Sư 2, QKV) trực tiếp tham gia, cùng biên đội tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125… Tờ mờ sáng 11/4, ba chiếc tàu giả dạng tàu cá, gắn biển số, cờ hiệu nước ngoài âm thầm nhổ neo trực chỉ Trường Sa.


Hơn 80 tuổi, Đại tá Trần Dược nhớ rõ: Sóng gió, nhiều người thấm mệt nhưng vừa nhìn thấy đảo, cán bộ chiến sĩ hăng hái, tập trung cao độ. Hơn hai ngày đêm vượt biển, 19h ngày 13/4, đoàn C75 tiếp cận đảo Song Tử Tây và quyết định đổ bộ ngay trong đêm. 


Ông Dược kể: Các lực lượng của Tiểu đoàn 4 kiên trì bám mép đảo, chia làm ba mũi áp sát mục tiêu. 4h30 phút ngày 12/4, loạt súng DKZ đầu tiên phát hiệu lệnh, quân ta nhanh chóng tiến sâu vào đảo. Ngụy quân bắn trả nhưng nhanh chóng co cụm trước khí thế áp đảo của ta. 5h sáng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ Song Tử Tây. Quân ta bắt sống đảo trưởng cùng 32 sĩ quan, lính ngụy, thu toàn bộ quân trang quân dụng.


Mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của ngụy trên các quần đảo Trường Sa rệu rã. Lính ngụy co cụm, tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết, trung tâm chỉ huy quần đảo Trường Sa. Đại tá Phạm Duy Tam (nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân) trong thời khắc lịch sử giải phóng Trường Sa tháng 4/1975 đảm trách thuyền trưởng tàu 675 cùng hai tàu cá giả dạng khác tham gia chiến dịch. 


Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu của Đại tá Tam bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo thả các xuồng cao su loại nhỏ, lần lượt chở 40 đặc công nước do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Đội trưởng đội 1, Đoàn 126 chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo.


“Chúng tôi phát hiện Quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó, đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính, đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn đều có 40 lính, các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính… “, Đại tá Tam hồi ức.


Cờ giải phóng tung bay trên đảo


Thần tốc tiến công, ta nhanh chóng hướng mũi tấn công, giải phóng các đảo còn lại là Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang. Rạng sáng 25/4, các mũi tàu ta bám sát đảo Sơn Ca, đổ bộ lên đảo.


Cựu binh đặc công Phan Xuân Ạp (64 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) kể: Lệnh tấn công được phát ra, các mũi đặc công đổ bộ, tràn lên đảo Sơn Ca. Chỉ sau 30 phút đấu súng, quân lính Việt Nam Cộng hòa chống trả yếu ớt và đầu hàng.


Tin đảo Sơn Ca bị đánh chiếm càng làm ngụy quân đóng chiếm các đảo còn lại hoảng loạn, rút xuống các tàu bảo vệ của chúng, tháo chạy khỏi đảo. Khi quân giải phóng đến các đảo An Bang, Nam Yết, Trường Sa không hề nổ một phát súng. 


Ông Ạp nhớ lại: Thời điểm này chính quyền Sài Gòn cho quân rút khỏi các đảo còn lại. Địch rút khỏi đảo nào thì quân giải phóng lập tức lên tiếp quản, bố phòng chặt chẽ. Ngày 28/4, các đảo Trường Sa Lớn và An Bang được giải phóng. Đêm 29/4/1975, trước giải phóng Sài Gòn một ngày, tất cả năm đảo mà ngụy quân đồn trú ở quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn.


“Thời khắc nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo giữa biển trời Trường Sa ai nấy đều xúc động, tự hào. Đất liền giải phóng, biển trời thống nhất”, Đại tá Dược bộc bạch. Đại tá Tam cũng nhiều lần kể về hồi ức không bao giờ quên này: Đến giờ nhắc lại, ai trong chúng tôi cũng rưng rưng, bồi hồi xúc động. Nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đảo, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui và òa khóc trong thời khắc thiêng liêng. Trường Sa là chủ quyền, máu thịt của Việt Nam và mãi mãi như thế.


Chính thắng lợi trên mặt trận biển Đông, giải phóng Trường Sa góp phần quan trọng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 


Video: Phim tài liệu Sống ở Trường Sa

Nguồn: Báo Giao thông

Nguồn:

Tin mới