Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, nhiều bản quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng và địa phương chưa hoàn thành theo đúng tiến độ, gây khó khăn cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là lý do Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 địa phương để tháo gỡ khó khăn cho việc lập các đồ án quy hoạch sáng 19/8. Hầu hết bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND các địa phương tham dự hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc lập quy hoạch sớm và chất lượng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ông yêu cầu các ngành, địa phương, người đứng đầu quan tâm đặc biệt.
“Công tác quy hoạch rất quan trọng vì làm gì cũng cần có quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc sớm lập quy hoạch sẽ là bước hiện thực hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp, cụ thể hóa Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2017.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Trong quá trình lập, ông yêu cầu các ngành, địa phương bám sát lợi thế cạnh tranh của các địa phương, đưa ra đường hướng phát triển bền vững. “Không bám sát lợi thế cạnh tranh và cơ hội của ngành mình, địa phương mình thì rất khó phát triển bền vững, từ chiều rộng ra chiều sâu”, ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng nếu làm tốt công tác quy hoạch, các địa phương sẽ hạn chế được những yếu kém, hạn chế những thách thức, tối đa hóa việc tận dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Nhà đầu tư tốt sẽ giúp sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế có hiệu quả”, Thủ tướng nói với 63 địa phương.
Về công tác lập quy hoạch, người đứng đầu Chính phủ cho rằng không thể dự báo hết mọi việc, nên khi lập là phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Ông yêu cầu các ngành, các địa phương không cầu toàn, không nóng vội trong lập quy hoạch, nhưng phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm có hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh công tác quy hoạch không mới, nhưng cái mới là phải thực hiện đồng thời quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương. Ông đề nghị các cơ quan trung ương, các địa phương không câu nệ, không ngần ngại trao đổi thông tin, tham vấn để đưa ra một bản quy hoạch tốt nhất.
Về kinh phí thực hiện, ông đánh giá cao các bộ đã vào cuộc xử lý vướng mắc. Nhưng Thủ tướng gợi ý có thể đưa ra cơ chế thanh toán theo thỏa thuận để nâng cao chất lượng quy hoạch khi thuê tư vấn. Nghĩa là quy hoạch càng tốt, có thể trả càng nhiều tiền.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, người đứng đầu coi trọng công tác quy hoạch, coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần thì lập một ban chỉ đạo, giao cho người có năng lực thực hiện. Ông cũng nhấn mạnh không được phó mặc cho tư vấn làm quy hoạch, mà chính lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng vào làm cùng để làm một cách hiệu quả nhất.
Trước đó trong phần thảo luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng khó khăn lớn nhất của TP.HCM chính là kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Số tiền không lớn, cũng không phải là không có nguồn lực nhưng cơ chế để chi tiền cho việc lập quy hoạch thì lại rất khó khăn và chưa có quy định.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngay trong tháng 8, cơ quan này đã kịp thời trình Thủ tướng cơ chế chính sách để tháo gỡ việc này. Hiện đã có hướng dẫn các địa phương về phương án chi tiền cho việc lập quy hoạch.
Là một trong 2 địa phương chậm thực hiện nhiệm vụ quy hoạch nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giải thích địa phương đang phải thực hiện điều chỉnh một số quy hoạch, trong đó có bổ sung quy hoạch không gian ngầm của thành phố theo góp ý của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Bắc Giang là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành quy hoạch tỉnh để trình hội đồng quốc gia thông qua. (Ảnh: Hoàng Hà)
Đồng thời, việc điều chỉnh một số quy hoạch của thủ đô còn có việc đưa 5 huyện lên quận, xây dựng đường vành đai 4, xây dựng một số tuyến cao tốc… Do đó, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng và điều chỉnh để sớm báo cáo Bộ Chính trị vào cuối năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết một trong những khó khăn nhất hiện nay là việc chưa có quy hoạch cấp trên như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, nhưng các địa phương phải lập quy hoạch cấp dưới cho mình. Do đó, việc làm thế nào để “khớp” với các quy hoạch cấp trên là thách thức.
Là một trong những địa phương hoàn thành việc lập và trình quy hoạch sớm nhất cả nước, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ kinh nghiệm của địa phương là coi trọng đặc biệt công tác này. Trong năm 2020, song song với việc tổ chức đại hội đảng các cấp, Bắc Giang đã tập trung nguồn lực, không phó mặc việc lập quy hoạch cho tư vấn.
“Không ai hiểu mình hơn chính mình. Do đó, tỉnh xác định tầm nhìn, mong muốn trong 20-30 năm tới sẽ như thế nào, từ đó xác định việc lập quy hoạch sao cho phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn đó”, ông Thái chia sẻ.
Trao đổi thêm với các địa phương, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng giải thích về việc quy hoạch cấp trên chưa làm xong, nhưng các địa phương phải hoàn thành quy hoạch cấp dưới. Ông nhấn mạnh không thể chờ cấp trên làm xong thì mới làm quy hoạch cấp dưới, nếu chờ vài năm thì có thể lỡ mất cơ hội.
“Quốc hội đã cho phép làm đồng thời. Các quy hoạch cấp trên sẽ làm lâu và rất khó. Các địa phương cứ làm. Khi nào xong thì điều chỉnh cho phù hợp với các quy hoạch cấp trên”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ các ngành, địa phương nên tranh thủ cơ hội này để xác định đi theo hướng nào, mô hình nào, đi bằng cách nào. Lãnh đạo phải rất quan tâm đến lĩnh vực này, có tư duy mới, tầm nhìn mới.
“Chúng tôi cũng mong muốn các ngành, địa phương không được ỷ lại cho tư vấn. Địa phương phải vào cuộc bắt tay làm cùng tư vấn để hiểu rõ nhất đường hướng phát triển của mình”, ông nói.