Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định

(VTC News) -

Ngày 15/1, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh và công tác chuẩn bị cho người dân vui Xuân, đón Tết.

Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo đã nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu; GRDP ước tăng 9,07% cao nhất từ trước tới nay xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xuất khẩu ước đạt 3 tỷ USD, tăng 12,5%, xuất siêu gần 1,5 tỷ USD. Thu NSNN đạt trên 7,75 nghìn tỷ đồng, bằng 117,4% dự toán, tăng trưởng tín dụng ước tăng 15%.

Thu hút đầu tư đạt kết quả khá với 59 dự án trong đó có 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 31,8 nghìn tỷ đồng và 57,8 triệu USD, đôn đốc hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp bảo đảm kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Nam Định phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch lịch sử, văn hóa - tâm linh, Thủ tướng yêu cầu Nam Định phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần;

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp;

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

Về nhiệm vụ giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng lưu ý, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vaccine. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết;

Tập trung xây dựng, sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam;

Đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, thân thiện với môi trường. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển gắn với đẩy mạnh liên kết vùng đủ mạnh, có tính đột phá để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Tập trung huy động các nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cho phát triển công nghiệp; Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đa dạng hóa nguồn lực, ưu tiên bố trí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, nhất là hạ tầng kinh tế biển; Tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vì đây vừa là lợi thế nhưng cũng cần coi là đột phá quan trọng nhất của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực chống chịu để phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; Đoàn kết thống nhất, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Về các kiến nghị của tỉnh Nam Định, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng khảo sát thực địa dự án cao tốc chiến lược vùng Đồng bằng sông Hồng.

Cũng trong sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát thực địa dự án cao tốc chiến lược vùng Đồng bằng sông Hồng đi qua tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Sau khi khảo sát thực địa và nghe báo cáo tình hình thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng là tuyến đường huyết mạch, rất chiến lược và có ý nghĩa rất quan trọng với khu vực đông nam Đồng bằng sông Hồng, đẩy mạnh liên kết vùng, giúp kết nối ngắn nhất với cảng Hải Phòng và biên giới Trung Quốc. Khi hoàn thành sẽ tạo sự đột phá cho các địa phương, nhất là Thái Bình, Nam Định, giúp Nam Định có bước phát triển đột phá, thu hút các nhà đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tạo sự đột phá cho các địa phương, nhất là Thái Bình, Nam Định, giúp Nam Định có bước phát triển đột phá, thu hút các nhà đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tập trung nguồn lực bằng các hình thức khác nhau, huy động vốn đầu tư công của cả trung ương, địa phương và vốn của doanh nghiệp để thực hiện bằng được tuyến đường này. Tinh thần là hướng tuyến phải thẳng nhất, ngắn nhất có thể, tránh đi qua khu dân cư, tốc độ đạt 120km, 4 làn xe.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan liên quan dựa trên yếu tố khoa học, thực tiễn để tính toán tốc độ tăng trưởng của lưu lượng xe để có bài toán tài chính hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh kéo dài thời gian thu phí và đội giá thu phí.

Vũ Khuyên (VOV)

Tin mới