Chiều 15/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM họp báo thông tin về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và thông tin Lễ khởi công dự án.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)
Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, vào 8h sáng 18/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng TP.HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi công đồng thời 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Địa điểm khởi công dự án tại đường số 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức.
Dự kiến tại điểm cầu TP.HCM sẽ có Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tin về tiến độ dự án Vành đai 3 TP.HCM, ông Phúc cho biết, hiện dự án đã giải phóng mặt bằng 356ha/410ha (đạt khoảng 87%), trong đó TP Thủ Đức đã thu hồi 72,8ha/99,8ha (đạt khoảng 73%), huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2ha/65,3ha (đạt khoảng 83%), huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0ha/98,9ha (đạt khoảng 95%), huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3ha/145,9ha (đạt khoảng 92%).
Phối cảnh tuyến vành đai 3 TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc bày tỏ, chưa từng có dự án nào được lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo thành phố đồng hành, ủng hộ quyết liệt, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc như dự án này.
"Dự án Vành đai 3 đã làm được điều mà chưa dự án giao thông lớn nào làm được. Đó là lần đầu tiên lịch sử ngành giao thông có một dự án giao thông khối lượng lớn nhưng đạt kỷ lục trong vòng 7 tháng đã giao được là 83% diện tích mặt bằng. Các dự án giao thông lớn thông thường phải mất 2-3 năm mới đủ mặt bằng để khởi công", ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, thách thức TP.HCM phải đối mặt sau khởi công, đó là phải tổ chức thi công đồng loạt trên 4 địa phương của Thành phố (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức) đảm bảo chất lượng tiến độ, yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Thách thức thứ 2 là phải đảm bảo đủ vật liệu; thứ 3 là về giải phóng mặt bằng khi phải hoàn tất 100% mặt bằng trước 31/12. Thách thức cuối cùng là TP.HCM với vai trò điều phối phải đồng hành, phối hợp Bình Dương, Long An và cùng nhau hoàn thành, chuẩn bị cho công tác tiếp theo.
Dự án Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng.
Đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 410 ha với 1.689 trường hợp bị ảnh hưởng.