Cùng đi có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Huyện Cai Lậy là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, diện tích cây ăn trái đặc sản này chiếm trên 10.500 ha. Sau hặn mặn, diện tích cây sầu riêng không thể hồi phục, chết trên 3.546 ha.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát ảnh hưởng của hạn mặn và hồi phục trên cây sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.
Chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng, Thủ tướng bày tỏ: “Đảng, Nhà nước thấu hiểu vấn đề này, chuyển lời thăm hỏi, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn".
"Tôi vừa vào thăm vườn sản xuất trái vụ, vừa hiệu quả cao do được giá, đi liền với đó không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn”, Thủ tướng lưu ý nên xem xét chuyển hướng mùa vụ, từ sáng tạo trong xử lý sầu riêng nghịch vụ. Do xử lý trái vụ nên giá sầu riêng rất cao, không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Cần có một chương trình quốc gia về ngăn mặn, không cho nước mặn xâm nhập sâu để giảm thiểu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng việc tích nước là rất quan trọng để thực hiện mùa vụ mới. Nếu ngăn các kênh rạch để tích nước thì có thể vượt qua được nhiều tháng trong mùa khô hạn, mặn.
Đối với các vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ người dân có sầu riêng bị thiệt hại, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chính sách, đề xuất hỗ trợ cho bà con có đủ điều kiện cần thiết để chủ động khôi phục cây ăn trái.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có sự đa dạng các loại cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau chuyến thị sát thực địa sáng nay, buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc làm việc với 13 tỉnh ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.