“Hội nghị lần này bắt buộc phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói xong rồi để đó. Các bộ, ngành phải xắn tay áo vào, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp. Một tinh thần hun đúc, dám nghĩ, dám làm, dựa vào sức mạnh của 100 triệu dân để phát triển”, Thủ tướng phát biểu khai mạc tại hội nghị với doanh nghiệp sáng nay 9/5 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Giờ là lúc lò xo kinh tế bung ra
Điểm qua những sự kiện nổi bật xuyên suốt lịch sử thế giới và Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, tháng 5 là một trong những tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, chúng ta đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. So sánh với các đại dịch từng diễn ra trong lịch sử thế giới, Thủ tướng cho rằng đây là dịch bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, hoạt động kinh tế. Bình quân 1 giây có 1 ca nhiễm mới. Gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng do các lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội. Hơn 4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 210 nước và vùng lãnh thổ có người nhiễm virus corona.
Thủ tướng đánh giá, trên phương diện kinh tế, khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến phát triển, từ các nền kinh tế quy mô lớn đến trung bình…
Kinh tế nhiều nước đã rơi vào suy thoái, nhưng theo đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế thế giới, Việt Nam là nước có triển vọng tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Nguyên nhân, theo Thủ tướng là nhờ Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch mặt khác vẫn duy trì kinh tế.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu, chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất phải đảm bảo phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được đảm bảo’”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh được kiểm soát, giờ là lúc nền kinh tế như chiếc lò xo bật lên mạnh mẽ.
“Như bao biến cố của lịch sử, loài người rồi sẽ vượt qua. Mặc dù có nhiều tổn thất và mất mát. Thậm chí có những người đã không thể vượt qua. Vậy đâu là loài sống sót?" Thủ tướng hỏi và trích dẫn câu nói của Darwin để trả lời: "Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà loài thích nghi tốt nhất sẽ là kẻ sống sót".
“Các doanh nghiệp tham dự hôm nay là những doanh nghiệp có khả năng thích nghi tốt nhất”, ông nhìn nhận.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN.
Ông nhấn mạnh Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực sau những năm tăng trưởng gần đây, điều này có nghĩa là Việt Nam không quá phục thuộc vào bên ngoài, nội lực vẫn rất lớn. Nhiều tín hiệu thị trường đang rất triển vọng như trái phiếu, chứng khoán…
25 năm nữa, có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam hay không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba…Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
"5 mũi giáp công", "6 đề nghị" để tái khởi động kinh tế
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này.
Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân.
Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thứ ba, tăng cường xuất khẩu.
Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.
Đồng thời đưa ra 6 đề nghị tới cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ nhất, ông mong muốn các doanh nghiệp yêu tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ đến tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Ông cảm ơn tinh thần chia sẻ của nhiều doanh nghiệp với Chính phủ, nhiều hộ kinh doanh cá thể nhường cơm sẻ áo trong lúc dịch bệnh.
Thứ hai, cần đoàn kết, mất đoàn kết là tự làm yếu mình.
Thứ ba, không nản chí, nản chí là tự bỏ cuộc.
Thứ tư, năng động, quyết đoán, thụ động lưỡng lự là mất cơ hội.
Thứ năm, sáng tạo, thiếu sáng tạo là tự thụt lùi.
Thứ sáu, có niềm tin, tự mình chối bỏ mình nếu không có niềm tin.
“Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Vậy xin hỏi tầm nhìn 2045 của doanh nghiệp là gì? Đang ở đâu”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Nhìn nhận Việt Nam còn nhiều nút thắt, nhưng theo Thủ tướng lúc này, các doanh nghiệp không bàn lùi, than nghèo, kể khổ, cần nêu ra trở ngại lớn cả ngành. Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, chỉ có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận.
Thủ tướng đặt kỳ vọng hội nghị kết tinh tinh thần yêu nước người dân và doanh nghiệp, tái cơ cấu, vượt qua yếu kém, vượt lên tăng trưởng, không chỉ tạo dựng môi trường đoàn kết, yêu lao động, đóng góp cho đất nước.
“Các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Doanh nghiệp yêu nước thì phải hành động. Doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển theo hình chữ V, chứ không phải là U hay W", Thủ tướng nói.