Hôm nay (9/5), Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19 sẽ diễn ra. Đây là "Hội nghị Diên hồng" lần thứ tư của người đứng đầu Chính phủ đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp.
Hội nghị năm nay được coi là đặc biệt hơn cả, do được tổ chức trong bối cảnh chưa từng có. Đó là đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp và đe doạ sự tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội nghị vì thế được coi như Hội nghị Diên Hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch; là hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch COVID-19.
Đây cũng là sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19. Vì thế, mục tiêu của hội nghị năm nay là lắng nghe nhiều hơn các hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương, một số doanh nhân bên hành lang hội nghị đối thoại với 1.000 doanh nghiệp năm 2019. (Ảnh: Thanh tra)
Tại cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Cùng với đó, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ.
“Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp. “Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Cuối năm 2019, Hội nghị Thủ tướng với các đại diện của cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp đã diễn ra với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Hội nghị hướng tới mục tiêu truyền tải thông điệp của Chính phủ là: Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.
Năm 2017, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Chủ đề của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Năm 2016 là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp, có tên gọi “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Mục tiêu của hội nghị nhằm thực hiện thông điệp của Thủ tướng: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Các nội dung đề ra là đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hiệu quả các kiến nghị của doanh nghiệp.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 dự kiến thu hút khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh, người dân trong nước và nước ngoài theo dõi.
Có 4 vấn đề chính sẽ được nêu ra gồm: Đánh giá chung về ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp đó là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vấn đề thứ 3 là nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Cuối cùng, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.