Nội dung trên được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với VTC News trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5.
“Như thông điệp của Thủ tướng đã đưa ra, hội nghị lần này của Chính phủ với doanh nghiệp không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng cho dài hạn trong những năm tiếp theo”, ông Tuấn Anh nói.
Khơi thông thị trường, thúc đẩy công nghiệp, thương mại điện tử
Theo tinh thần đó, ông Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã và đang tập trung đưa ra, thực hiện các giải pháp vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính dài hạn hơn.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: T.Đ)
Trong đó, giải pháp mang tính trọng tâm là khơi thông và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác triệt để các lợi ích và cơ hội có được từ cam kết hội nhập, có thể coi EVFTA là một điểm nhấn quan trọng cần khai thác để thúc đẩy xuất khẩu thời gian tới.
Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khi phía bạn đã có sự kiểm soát tốt về dịch bệnh, khôi phục lại các hoạt động kinh tế, nhu cầu hấp thụ hàng hóa tăng trở lại.
Với thị trường này, Thủ tướng đã có chỉ đạo rất sát sao. Bộ Công Thương và các bộ ngành Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao cùng các địa phương dọc tuyến biên giới phía Bắc thời gian qua có sự phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Thủ tướng cũng đồng ý cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh.
“Cả về trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Với các thị trường khác như EU, Asean… Bộ Công Thương cũng có chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở các nước rà soát, nắm chắc tình hình và lên phương án nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn sau khi dịch bệnh kết thúc.
Về dài hạn, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị xây dựng một kế hoạch tổng thể để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới. Qua đó cập nhật, xác định lại vị trí và giải pháp cụ thể cho từng thị trường, từng nhóm mặt hàng để triển khai thực hiện.
Một giải pháp nữa là phải tập trung xử lý tốt các vấn đề về phát triển thương mại nội địa, bao gồm cả thương mại điện tử. Bộ đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Giải pháp thứ ba là thúc đẩy phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong công nghiệp, năng lượng, qua đó vừa thúc đẩy đầu tư vừa tạo giá trị sản phẩm mới đóng góp cho tăng trưởng.
Thủ tướng trong Hội nghị với doanh nghiệp năm 2019. (Ảnh: Zing)
Thay đổi để ứng phó kịp thời
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần nhìn nhận tình hình đã có những thay đổi so với trước đây để ứng phó, xử lý phù hợp.
Dịch bệnh đang tạo ra những khó khăn mà hầu như không quốc gia nào tránh khỏi. Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, cấu trúc của nền kinh tế thế giới đang có sự thay đổi.
Các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn ngay từ trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 (như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đối đầu thương mại Mỹ - EU...) thì nay với tác động của dịch, không những không thuyên giảm mà còn đang trở nên ngày càng gay gắt hơn.
Ngoài ra, dịch bệnh lần này cũng có thể là đòn giáng tiếp theo vào quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc bản địa thời gian qua đang có xu thế trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng nước ta có những yếu tố thuận lợi và cơ hội tốt cần được nhìn nhận để chủ động nắm bắt, tạo bứt phá trong phát triển thời gian tới. Đó là Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh sớm hơn các nước. Thêm vào đó, uy tín, sự tin tưởng của các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tăng lên... Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 trong 4 tháng đầu năm vừa qua song về cơ bản, những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới (như tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại...) được giữ vững.
“Nhìn nhận được thực chất và toàn diện về những vấn đề nêu trên trong bối cảnh quốc tế và trong nước sẽ tạo được sự vững tâm và chủ động trong định hướng phát triển trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.