Chiều 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nghiêm trọng khiến nhiều người chết ở Bình Thuận, Quảng Ninh, Kon Tum trong những ngày qua và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự.
Đối với vụ tai nạn giữa xe khách 16 chỗ với xe tải tại Bình Thuận lúc 1h ngày 21/7 khiến 8 người chết, 7 người bị thương, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND, trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động các điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân thiệt mạng. Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.
Thủ tướng yêu cầu tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô có thời hạn đối với nhà xe Anh Trinh (chủ xe 16 chỗ) theo quy định của pháp luật, chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh. Xác định và xử lý trách nhiệm của công ty đối với vụ tai nạn nêu trên.
Hiện trường vụ tai nạn tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm của xe khách, xe tải. Tiếp tục khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng mất tấm chống lóa trên quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Bình Thuận và công an các địa phương có xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ xe khi để xảy ra tình trạng lái xe có vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy.
Có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Trường hợp phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn hoặc chất ma túy thì làm việc với các cơ quan có liên quan để thực hiện tạm đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe, chủ xe kinh doanh vận tải.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng các Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Kon Tum kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu xe trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.
Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động qua thiết bị giám sát hành trình của ôtô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của ngành công an và Sở GTVT để xử lý nghiêm xe vi phạm. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải.
Huy động mọi nguồn lực triển khai phương án khẩn cấp để lắp đặt dải phân cách giữa trên các tuyến đường có nguy cơ cao về xung đột giao thông. Nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện hành nghề đối với tài xế xe kinh doanh vận tải.
Video: Tai nạn làm 8 người chết ở Bình Thuận
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, kết luận nguyên nhân trực tiếp xảy ra vụ xe khách lao xuống biển khiến 4 người chết vào đêm 10/7.
Đặc biệt làm rõ trách nhiệm của đơn vi thi công, tư vấn giám sát trong việc thi công, không tổ chức cảnh báo, rào chắn phần đường giáp biển để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, các cơ qụan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long trong việc chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông tại dự án đang thi công.
Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân Ban an toàn giao thông địa phương khi liên tiếp để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Quảng Ninh.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận nguyên nhân trực tiếp vụ xe khách rơi xuống vực tại huyện Sa Thầy ngày 11/7 khiến 6 người chết, 35 người bị thương.
Từ đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, xem xét trách nhiệm của người trực tiếp lái xe khách biển kiểm soát 36B-022.32, trách nhiệm của Công ty TNHH Tiến Hùng về việc để xe hoạt động không đúng lộ trình đăng ký dẫn đến xảy ra tai nạn.
Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện có quốc lộ 14C đi qua trong việc để xe khách 36B-022.32 và các xe kinh doanh vận tải chạy không đúng lộ trình, lưu ý không xem xét các hình thức thi đua khen thưởng nhà nước năm 2020 đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Khoảng 1h ngày 21/7, xe khách 16 chỗ BKS: 86B-010.87 của nhà xe Anh Trinh, do tài xế Nguyễn Thanh Tiệp (32 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng) cầm lái, lưu thông hướng Phan Thiết đi TP.HCM.
Khi đến km 1767 QL1A đoạn qua xã Tân Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) thì đâm trực diện vào xe tải BKS: 79N-0315 do Phan Thanh Tùng (29 tuổi, trú TP Cam Ranh, Khánh Hòa) lái theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến 6 người chết tại chỗ, 2 người chết tại bệnh viện và gần 10 hành khách bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Các nạn nhân chủ yếu đến từ Bình Thuận và TP.HCM.
Ban An toàn giao thông Bình Thuận xác định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do xe khách chạy không đúng phần đường, làn đường. Tại thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, xe khách chạy với tốc độ 69km/h, xe tải chạy với tốc độ 60km/h. Cả 2 xe đều không vi phạm tốc độ.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả hai xe ô tô tải và xe khách đều còn hạn đăng kiểm.