Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024, diễn ra sáng 27/2.
Thủ tướng nhận định, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Chính phủ trong tháng 2 rất nặng nề, vừa tích cực chuẩn bị trình Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024 (phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3), vừa quyết nghị các dự án luật phục vụ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo Thủ tướng, những nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng, khó, với yêu cầu cao, trong khi thời gian và nguồn lực có hạn.
Để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ trì, soạn thảo, các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng pháp luật, các cơ quan liên quan phải có ý kiến kịp thời.
"Bố trí các cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rà soát lại chế độ, chính sách bảo đảm phù hợp cho các cán bộ làm công tác này với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng các dự án luật, các đề nghị xây dựng pháp luật chỉ lấy ý kiến một lần các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, nếu còn ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng phụ trách chủ trì triệu tập cuộc họp với các Bộ, cơ quan để xử lý ngay.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần chuẩn bị, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để thi hành ngay sau khi các luật có hiệu lực.
Với tinh thần "khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch, công khai, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá, để các đối tượng thực thi, tuân thủ pháp luật yên tâm thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nếu công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được chuẩn bị kỹ, làm tốt việc tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, thì các quy định, chính sách sau khi ban hành sẽ đi ngay vào cuộc sống, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, còn nếu chuẩn bị không kỹ, không tốt thì vừa làm xong đã phải sửa đổi, bổ sung.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung (6 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng pháp luật và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh).
Cụ thể, 6 dự án luật được thảo luận gồm: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
4 đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Chính phủ cũng xem xét, cho ý kiến về đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.