Video: Thủ phủ trầm hương Hà Tĩnh bận rộn ngày cuối năm
Là một trong những khu vực trồng dó trầm lớn nhất ở Hà Tĩnh, dịp cuối năm, hàng chục hộ sản xuất hương trầm tại xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) hối hả chuẩn bị hàng để phục vụ thị trường Tết.
Chị Võ Thị Nga, chủ hệ thống chế biến sản phẩm từ cây dó trầm tại xóm 8, xã Phúc Trạch cho biết, sát Tết nên nhu cầu dùng loại hương sạch làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, trong đó có thành phần là tinh chất từ gỗ của cây dó trầm tăng cao. Dù bận rộn làm từ sáng tới tối nhưng vẫn không kịp trả đơn hàng cho khách.
"Mỗi năm vào vụ Tết, cơ sở của chúng tôi tiêu thụ khoảng một tấn hương với nhiều loại như hương thẻ, hương trầm, nụ hương. Giá từ 30.000 đến 100.000 đồng/hộp tùy loại. Doanh thu mỗi vụ Tết trung bình từ 500 – 600 triệu trừ chi phí”, chị Nga nói thêm.
Còn gia đình ông Nguyễn Huy Đức năm nay dự kiến bán ra khoảng 0,7 tấn hương trầm. Ông Đức cho biết, do năm nay thời tiết mưa lạnh nên hương lâu khô dẫn đến số lượng sẽ ít hơn mọi năm. Chỉ còn 2 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán nên gia đình ông Đức phải thuê thêm 3 nhân công, mỗi tháng 7 triệu – 9 triệu/người.
Theo ông Đức, sau khi thu mua cây dó trầm, những người thợ sẽ đục lấy phần trầm có chứa tinh dầu đạt chất lượng.
Những phần trầm có chứa tinh dầu đó sẽ được xay thành bột và trộn với một số nguyên liệu khác theo tỷ lệ nhất định.
Hương trầm thường có 3 loại, gồm hương trầm tự nhiên, hương thẻ và hương nụ. Hương trầm tự nhiên được cuốn thủ công bằng giấy, có chiều dài khoảng 50cm, sau đó dùng 1 loại keo kết dính lại.
Còn hương thẻ dài khoảng 30cm, so với hương trầm tự nhiên thì hương thẻ được pha trộn thêm nhiều loại nguyên liệu hơn.
Hương thẻ được se bằng máy nên có năng suất cao hơn. Sau khi se xong, hương được phơi khô thêm 2-3 ngày dưới ánh nắng trước khi đóng hộp.
Với mùi hương thoang thoảng, nhẹ nhàng thì hương nụ cũng là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.
Lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch cho biết, nghề làm hương trầm khá mới nhưng đã mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ dân, đặc biệt cho thu nhập cao trong dịp cuối năm.
Cây dó trầm (có nơi gọi cây dó bầu) chỉ sinh trưởng tốt ở điều kiện của một số vùng mưa nhiệt đới tại Đông Nam Á, thích hợp với vùng đất đỏ bazan hoặc đất cát sỏi.
Khi cây bị bệnh hoặc tác động của tự nhiên, nhựa cây sẽ tràn ra bao bọc lấy vết thương, tạo nên đoạn gỗ nhiễm dầu và có hương thơm. Tùy theo lượng nhựa tạo thành mà người trong nghề gọi bằng tên khác nhau: tóc, trầm hương, kỳ nam…